Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá lợn hơi ngày 15/7/2021: Vì sao người nuôi lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao?

Minh Anh/Tiêu dùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận giá lợn hơi hôm nay 15/7, trên cả 3 miền đồng loạt đi ngang so với hôm qua. Hiện giá lợn hơi được thu mua với mức thấp từ 52.000 - 62.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Bắc
Cụ thể, các địa phương như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình giá lợn hơi được thu mua với mức 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Còn tại Hà Nội, Tuyên Quang giá lợn hơi hôm nay đang ở mức thấp 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Huế giá lợn hơi ở mức 60.000 - 61.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá lợn hơi được thu mua với mức 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Định, Quảng Trị, Đắk Lắk giá lợn hơi hôm nay ở mức lần lượt 55.000 đồng/kg, 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ngày 15/7/2021: Vì sao người nuôi lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao? (Ảnh: Internet) 
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 55.000 - 61.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An giá heo hôm nay được thu mua với mức 61.000 - 62.000 đồng/kg.
Các địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng giá lợn hơi ở mức 55.000 - 58.000 đồng/kg.
Còn tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu giá lợn hơi được thu mua với mức thấp 52.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 52.000 - 62.000 đồng/kg.
Vì sao người nuôi lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao?
Có thể thấy, giá lợn hơi hiện nay đang dao dộng ở mức thấp, có nhiều địa phương dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn sau khi vừa gượng dậy từ đợt thiệt hại nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi. Trong khi đó, giá bán lẻ một số sản phẩm heo thịt vẫn duy trì ở mức cao gấp 3 - 4 lần giá lợn hơi.
Rõ ràng là có sự “mất cân bằng” khi lợn hơi rớt giá tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng người tiêu dùng lại phải mua thịt với giá cao. Không những vậy, đầu ra của nhiều hộ chăn nuôi lại đang tắc nghẽn do các chợ đầu mối lớn đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 đợt 4, còn nhiều thương lái thì bị cách ly.
Như ở “thủ phủ chăn nuôi lợn” tại Đồng Nai, do hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh mặt hàng thịt lợn ở các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh, mua bán.
Việc đó dẫn đến đình trệ hoạt động thu mua lợn tại nhiều địa phương trong tỉnh này. Nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công.
Đó là lý do Sở Công thương thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về việc mở điểm bán thịt lợn tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) để hỗ trợ người chăn nuôi, “giải cứu” nguồn lợn nuôi từ các trại nuôi, còn người tiêu dùng thì có chỗ mua lợn thịt với giá hợp lý.
Cần lưu ý thêm, qua quan sát tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP Hồ Chí Minh vào thời điểm này thì thấy rằng, nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu lại đang được bày bán khá phổ biến hơn là thịt tươi sống. Và do không có nhiều lựa chọn nên người tiêu dùng đành phải thay đổi thói quen, chấp nhận mua thịt nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng để không tắc nghẽn đầu ra cho các hộ chăn nuôi lợn ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai thì chính quyền tỉnh này nên phối hợp nhanh chóng với chính quyền TP Hồ Chí Minh để có quyết sách hợp lý nhất nhằm khơi thông nguồn cung thịt lợn tươi sống với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng.
Vướng mắc đang nằm ở chỗ, các điểm phân phối lớn về heo thịt tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 7/2021 này đang đóng cửa trong thời điểm “nóng” của dịch Covid-19. Việc vận chuyển heo thịt từ Đồng Nai đi TP Hồ Chí Minh dù thuộc nhóm hàng hoá thực phẩm thiết yếu, nhưng lại đang gặp không ít vướng mắc khi mà nhiều đơn vị vận tải vẫn chưa thể thực hiện được việc xin cấp giấy nhận diện phương tiện đi qua vùng dịch.
Trong bối cảnh này, có thể nói thiệt thòi lớn nhất vẫn là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi mà họ hoàn toàn bị động trước các tác động liên hoàn của dịch Covid-19.