Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Dù DTLCP thời gian gần đây đã tạm lắng, song với số lượng lợn tiêu huỷ khoảng 5,2 triệu con đã đẩy giá lợn hơi xuất chuồng tăng phi mã và dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục. Cụ thể tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 67.000 – 68.000 đồng/kg, nhiều nơi đã chạm mốc 70.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tăng thêm 2.000 đồng/kg lên mức 67.000 đồng/kg. Khu vực Quảng Trị, Đắk Lắk cùng có giá 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, các tỉnh Bình Thuận, Bình Định đạt 59.000 đồng/kg.
Theo quy định, hành vi lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y sẽ bị phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng theo điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 90/2017; khi tiêu thụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng thì tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết, dù còn hơn một tuần nữa mới tới kỳ xuất chuồng nhưng do giá lợn lên cao nên anh quyết định bán đàn lợn sớm hơn so với dự định. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đục Khê, xã Hương Sơn chia sẻ: “Dịp này giá lợn tăng cao, mỗi con lợn xuất chuồng lãi cả triệu bạc nhưng nguồn lợn trong dân đã cạn kiệt. Để có hàng bán, tôi phải mua lợn của Công ty CP ”.
Giá lợn tăng cao như hiện nay có thể sẽ dẫn đến tình trạng người dân tái đàn ồ ạt, khiến DTLCP khó kiểm soát. Lo ngại hơn là giá lợn hơi đang rất cao, trong khi giá hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh chỉ 25.000 đồng/kg, có thể dẫn tới tình trạng nhiều người dân giấu dịch để mổ lợn bệnh bán lấy lãi hoặc bán chạy đàn, khiến dịch càng lan rộng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, do ảnh hưởng của DTLCP nên tổng đàn lợn của huyện từ hơn 70.000 con giảm xuống còn hơn 20.000 con. Hiện, số lượng đàn lợn chỉ còn tập trung chủ yếu ở các trại chăn nuôi lớn và các đơn vị gia công. Tuy địa phương đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra nhưng việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến đường giao thông cũng gặp không ít khó khăn. Do lưu lượng phương tiện lưu thông qua địa bàn lớn nên chủ yếu kiểm soát được các phương tiện chở lợn sống; các xe có các sản phẩm thịt lợn cất giữ nhỏ lẻ, đóng gói kín rất khó phát hiện, kiểm soát.
Tuân thủ đúng quy định tái đàn
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Luật Thú y không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn. Các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Theo ông Đăng, mặc dù hiện tại giá lợn tăng cao và khả năng còn cao hơn nữa nhưng người dân cần phải tuân thủ đúng quy định tái đàn và khai báo. Người chăn nuôi không được giấu dịch, tự ý giết mổ lợn bệnh để bán thịt làm dịch lây lan, bùng phát dịch trở lại, khiến việc kiểm soát và dập dịch khó khăn hơn.
Để ngăn chặn nguy cơ này, ông Đăng đề nghị chính quyền địa phương tăng cường phối hợp với cơ quan thú y nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh lây lan; thành lập các tổ kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các ổ dịch xảy ra; kiểm soát, hướng dẫn người chăn nuôi xử lý đàn lợn bị bệnh. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào TP và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động TP để thực hiện tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông tại các trục đường giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.