Giá lợn lên cao cá biệt vừa qua không phải là giá chủ lưu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Giá lợn tăng cao trong thời gian vừa qua không phải do thiếu nguồn cung mà có dấu hiệu do lưu thông và thông tin không rõ ràng. Giá lợn lên cao cá biệt vừa qua không phải là giá chủ lưu” – là khẳng định của Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương trong buổi tọa đàm “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn, đảm bảo cung cầu thực phẩm dịp Tết” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức, chiều 14/11.

 Cán bộ Thú y Hà Nội lấy mẫu test dịch tả lợn châu Phi
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, hiện nay giá lợn chủ lưu (giá của các DN bán ra) vẫn dao động từ 65.000 - 68.000 đồng/kg, cá biệt có vùng cao hơn. Điển hình giá lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bán ra khoảng 65.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện tượng tăng giá trên một phần do thương lái trước kia thu mua của nông hộ, giờ họ không có nguồn này trong khi đó lại không tiếp cận được các nguồn của DN nên xảy ra hiện tượng đẩy giá. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thông tin truyền thông lại chỉ quan tâm đến thông tin giá cao nên vô hình chung đẩy giá lợn lên. Do đó, những hiện tượng cá biệt này lại trở thành thông tin chính. Giá lợn lên cao cá biệt vừa qua không phải là giá chủ lưu.
Sản lượng thịt lợn có thiếu hụt nhưng không thiếu đến mức đẩy giá lợn như vừa qua. Song song với chống dịch, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn đẩy chăn nuôi các đối tượng khác như gia cầm, thủy sản… nên tổng nguồn cung thực phẩm không thiếu. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn cung thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, xu hướng nhu cầu thịt lợn cuối năm sẽ tăng, trong tháng Tết thường tăng từ 20-25% so với tháng khác. Nếu thực hiện tốt các giải pháp sẽ không có đột biến về giá. Thời gian tới cần có sự chung tay của cả ngành nông nghiệp và công thương trong sản xuất, lưu thông và bình ổn giá; trong đó ưu tiên bình ổn giá cho mặt hàng thịt lợn.
Đại diện DN đang cung cấp cho thị trường từ 3.500-4.000 con lợn thịt/ngày, ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, công ty luôn đồng hành với người dân và kêu gọi của Bộ NN&PTNT trong việc bình ổn giá lợn thịt từ tháng 8 đến nay. Những ngày gần đây giá lợn của công ty bán ra dao động 59.000-67.000 đồng/kg, tùy thuộc vào loại lợn và từng địa phương.
Công ty luôn ưu tiên cung cấp lợn với những khách hàng đã liên kết lâu năm, với đơn vị mới công ty chỉ phục vụ ở mức độ vừa phải. Công ty cũng không bán lợn ồ ạt ra thị trường bởi nếu bán ồ ạt sẽ xảy ra tình trạng thương lái thu gom và tổ chức bán qua nhiều nấc thang và có thể đẩy giá lên. Nguồn cung của công ty so với cùng kỳ năm ngoái đang tăng khoảng gần 10% về sản lượng. Doanh nghiệp sẽ cung cấp ổn định đến cuối năm.
Góp phần bình ổn thị trường, ông Kiều Đình Thép cũng cho biết, ngoài cung cấp lợn thịt cho các đơn vị đang liên kết, công ty cũng có trên 200 điểm bán hàng Porkshop cùng với hệ thống phân phối ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị…
Để tăng nguồn cung, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đang tăng năng suất lợn nái; đẩy mạnh tái đàn cùng với thực hiện bằng được “an ninh sinh học” để giữ đàn; kéo dài thời gian nuôi lợn thịt, giúp tăng năng suất, sản lượng thịt.
Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thay thế như gia cầm, thủy cầm, thủy sản, trâu bò...; cố gắng tiếp cận khâu sản xuất và tiêu dùng, hạn chế các nấc thang bắc cầu ở khâu lưu thông. Khi làm tốt hai yếu tố trên thì giá cả sẽ đi đến ổn định và hợp lý, ông Kiều Đình Thép nhận định.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 13/11, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 8.400 xã, tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, với sản lượng khoảng 330.000 tấn, chiếm 8,5% tổng sản lượng lợn cả nước. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên cả nước. Hiện cả nước có trên 60% số xã đã qua 30 ngày không có dịch tái phát; đặc biệt 10 tỉnh, thành phố có trên 85% xã đã qua 30 ngày không có dịch. Đây là điều kiện để các hộ có thể tái đàn.
Các địa phương cần nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đã có kết quả trên thực tế, đây là giải pháp then chốt để phát triển chăn nuôi an toàn. Những địa phương đã qua 30 ngày không có dịch, có thể tái đàn kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, địa phương cần kiểm soát tốt việc vận chuyển lợn sản phẩm thịt lợn giữa các địa phương, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện một số địa phương có tư tưởng ngại, né tránh tái đàn, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, địa phương phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân tái đàn để đảm bảo thu nhập cho người dân cũng như nguồn cung thực phẩm thời gian tới. Địa phương không nên chờ đợi hết dịch mới tái đàn mà nên mạnh dạn tái đàn có kiểm soát

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần