Chặng đường 10 năm gắn bó
Họ chính là nhóm “Đi dạy” thuộc Đội sinh viên tình nguyện Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Đã 10 năm, kể từ ngày thành lập (năm 2003), hình ảnh chiếc áo xanh (đồng phục của nhóm) đã trở nên gần gũi và thân thương với thầy cô và bao thế hệ học trò của ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu.
Nằm trên đường Lạc Trung (Hai Bà Trưng – HN), trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu là mái nhà của tình thương và tri thức đối với biết bao em nhỏ khiếm thị. Hiểu rõ những thiệt thòi và khó khăn của các em học sinh ở đây, chàng sinh viên Trung Dũng (Khóa 44 – trường ĐH KTQD) cũng là trưởng nhóm đầu tiên của nhóm “Đi dạy” đã đề xuất sáng kiến và vận động bạn bè đến hỗ trợ các em trong việc học tập.
“Áo xanh” giảng bài cho các em học sinh khiếm thị tại khu nội trú trường Nguyễn Đình Chiểu.
Hiện nay, nhóm có hơn 100 thành viên, chủ yếu là các bạn sinh viên năm 1, 2, 3. Ngoài ra nhiều bạn sinh viên đã ra trường và đi làm nhưng khi rảnh rỗi vẫn trở về và đi dạy cùng nhóm.
Dù vào mùa hè nóng nực hay ngày mưa, ngày rét, nhóm 20 – 25 thành viên đạp xe từ trường ĐH KTQD đến trường Nguyễn Đình Chiểu. Với đúng tên gọi của nhóm “Đi dạy”, hoạt động chủ yếu của “áo xanh” chủ yếu là giúp các em ôn bài, làm bài hay giảng những bài tập khó cho các em ở tất cả các môn học Toán – Lý – Hóa – Văn – Sử - Địa – tiếng Anh. Ngoài ra, nhóm cũng cử các thành viên đến tận phòng trọ, dạy các bạn học sinh bị khiếm thính học cấp 3 ở khu vực Lò Đúc và Kim Ngưu.
Bạn Quang Huy (thành viên trong nhóm đi dạy ở Lò Đúc) chia sẻ: “Mình dạy các chị đã lớn tuổi hơn mình. Càng hoạt động, mình thấy càng yêu thích và gắn bó với hoạt động này và học tập được nghị lực sống, lối sống mạnh mẽ, tự lập của các chị”.
Ngoài những giờ học vào buổi tối, nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động khác cho các em học sinh của trường như: Chương trình Xuân yêu thương, Khám phá mới, Phát thanh, Thu âm,…
Một buổi dã ngoại do nhóm “Đi dạy” tổ chức.
Trong đó hoạt động “Khám phá mới” được các em rất hưởng ứng và thích thú. Rong ruổi trên chiếc xe đạp, mỗi “áo xanh” sẽ chở một em nhỏ đến các địa điểm như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phòng không – Không quân,… giúp các em hiểu hơn về những địa danh, di tích – lịch sử, những điều mà trước kia các em chỉ được biết trên truyền hình.
Tìm niềm vui trong khó khăn
“Các chị ra ngoài đi, bọn em không cần dạy đâu” là câu nói đầu tiên Nguyễn Thị Thu Hường (sinh viên năm 2 – Khoa Kinh tế - trường ĐH KTQD) nhận được khi bước chân vào dạy buổi đầu. Thu Hường tâm sự: “Không biết do các em đã học hết bài hay không quen với sự có mặt của người lạ, mà ngay buổi dạy đầu tiên mình đã bị lúng túng và khó xử. Nhưng được sự khích lệ của các anh chị đi trước, khiến mình thêm tự tin và đi tới hỏi han, làm quen với các em”.
Các thành viên trong nhóm chủ yếu dạy các em đang học cấp 1 và cấp 2, nhưng đôi khi kiến thức có thể quên hay không phải thế mạnh của các em, khiến trong quá trình dạy khá lúng túng. Những lúc đó các bạn lại phải hỗ trợ lẫn nhau để tìm ra phương pháp giảng giải đơn giản và dễ hiểu nhất cho các em. Trong quá trình dạy, các học sinh nam còn hiếu động và mải chơi, khiến “áo xanh” phải động viên và nhắc nhở các em tập trung vào việc học.
Khó khăn là vậy nhưng các bạn chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ dạy và nếu vì việc bận không đến dạy khiến các bạn thấy nhớ những cô cậu học trò nhỏ. Bởi tình cảm giữa “áo xanh” và các em học sinh ở đây đã gắn bó và thân thiết như tình cảm máu thịt trong gia đình.
Trước mỗi buổi học, các em xuống tận cổng trường để đợi các anh chị “áo xanh”. Mỗi thành viên trong nhóm đều thấy hạnh phúc khi các em trìu mến hỏi: Chị ơi, hôm nay em học bài này; ngày mai em có tiết kiểm tra, anh giảng lại cho em bài này; bài này khó chị giảng cho em đi là những lời nói quen thuộc khi bắt đầu các giờ học.
Chăm chú lắng nghe và ghi bài.
Thu Hường tâm sự: “Nhớ lại dịp được các em vẽ tặng bức tranh phong cảnh, ngày lễ tết được các em gọi điện hỏi thăm, được mời đến các buổi diễn văn nghệ của các em khiến mình rất xúc động. Điều đó đã trở thành động lực để mình và các “áo xanh” khác thêm cố gắng để giúp đỡ các em nhiều hơn”.
Em Nguyễn Thị Khánh Hồng (lớp 7, trường Nguyễn Đình Chiểu) chia sẻ: “Đã một năm từ khi em vào đây học và cũng là thời gian được gắn bó và nhận sự giúp đỡ của các anh chị “áo xanh”. Em học yếu môn Toán nhưng được sự chỉ bảo của anh chị mà kết quả học tập của em đã tốt hơn trước”.
Sau giờ dạy, “áo xanh” ngồi giao lưu và chia sẻ với nhau.
Trong giờ học, bên cạnh không khí thân thiện, hòa đồng, tiếng trao đổi bài náo nhiệt, còn có âm thanh đặc biệt phát ra khi các em nhỏ viết chữ nổi Braille. Tai nghe, tay viết thoăn thoắt và nhanh nhẹn trả lời các câu hỏi của gia sư “áo xanh” là những hình ảnh thân quen trong lớp học đặc biệt này.
Sau những buổi dạy, các bạn lại ngồi thành vòng tròn, giao lưu, chia sẻ với nhau câu chuyện của buổi học ngày hôm nay hoặc cùng hát vang những ca khúc của tuổi trẻ, cùng chơi những trò chơi thú vị để tăng thêm tình đoàn kết.