Kinhtedothi - Buộc phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành niêm yết, quyết liệt áp giá trần nhưng giá sữa vẫn ở mức cao. Và thực tế ngay cả khi sữa nguyên liệu thế giới giảm cũng chưa có DN nào đăng ký giảm giá sữa. Việc quản lý giá nhóm hàng thiết yếu này vẫn là thách thức với cơ quan quản lý.
Đủ chiêu lách luật
Khảo sát trên thị trường hiện nay, rất nhiều loại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được các cửa hàng bán cao hơn mức giá trần do Bộ Tài chính quy định. Thậm chí, cùng một loại sữa, cùng trọng lượng nhưng giá mỗi nơi một khác.
Cụ thể như sữa Enfamil A+1 Brain Plus hộp loại 900g, giá trần bán lẻ được quy định không quá 438.000 đồng/hộp nhưng nhiều cửa hàng bán lẻ vẫn niêm yết giá cao hơn rất nhiều. Tại một cửa hàng kinh doanh sữa ở quận Ba Đình, Hà Nội, sữa Enfamil A+1 Brain Plus hộp 900g đang được bán với giá 498.000 đồng/hộp.
Đắt hơn nữa, một hệ thống cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé khá uy tín ở Hà Nội, trong đó có 2 cửa hàng ở phố Sơn Tây cũng niêm yết giá lên tới 525.000 đồng/hộp, cao hơn tới 87.000 đồng/hộp.
Chưa kể, giá sữa nguyên liệu mấy tháng đầu năm 2015 giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có DN nào đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa thành phẩm. Chủ đại lý bán sữa
trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chưa nghe nhân viên tiếp thị các hãng sữa nói giảm giá.
Giá nhiều mặt hàng sữa tại đây vẫn được niêm yết với mức khá cao như: Sữa Friso Gold số 3 vị Vani - 1,5kg giá 610.000 đồng; XO số 4 giá: 478.000 đồng/hộp 800g; Sữa Similac Advance - 658g: 455.000 đồng/hộp... Chủ một cửa hàng đại lý sữa trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận từ giữa năm 2014 đến nay cửa hàng này chưa giảm giá đợt nào.
Mới đây, Bộ Tài chính công bố tiếp tục áp giá trần bán buôn thêm 10 sản phẩm mới của Nestle và Friesland Campina Việt Nam, nâng tổng sản phẩm nằm trong danh sách bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi lên con số 672.
Theo lý giải của hai hãng sữa trên thì 10 sản phẩm này đều là sản phẩm mới nên phải đăng ký và kê khai giá bán theo quy định. Như Dutch Baby mau lớn Gold (dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi, loại 900g) có giá bán lẻ khuyến nghị tối đa 339.000 đồng/hộp; Dutch Baby tập đi Gold 900g (6 - 12 tháng tuổi) có giá 330.833 đồng/hộp….
Tuy nhiên, theo phản ánh của người tiêu dùng, trước kia sữa Dutch Baby Gold Step 2 dành cho trẻ 6 - 12 tháng tuổi, hộp 900g có giá 275.000 đồng và sữa Dutch Lady tập đi giá 240.000 đồng/hộp 900g. “Đổi sang mẫu mới, tên mới, chưa biết có thêm vi chất gì, chỉ thấy nếu hãng bán với giá tối đa cho phép là 339.000 đồng/hộp thì sẽ cao hơn giá sữa cùng hãng từ vài chục đến gần trăm ngàn đồng/hộp” - chị Nguyệt Hoa ở Thái Hà than.
Bỏ phí quảng cáo, giá sữa giảm được bao nhiêu?
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu, vào 15/4 tới đây, DN buộc phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành niêm yết bán đối với các loại sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi như trong Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 6/11/2014). Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định: Sẽ kiên quyết xử phạt nếu các hãng sữa, đại lý kinh doanh sữa vi phạm.
Với quy định này, về lý thuyết, giá sữa trẻ em có thể giảm tới 30% so với hiện hành. Bởi hiện nay, chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị của các DN kinh doanh sữa đang giữ ở mức khá cao, chiếm khoảng 20% giá thành sữa, có khi lên tới 30% giá thành.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế trên thị trường đang có không ít sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi, vậy câu hỏi đặt ra là phân loại ra sao với sữa dành cho
trẻ em dưới 24 tháng tuổi? Nghị định 100 chủ yếu là bảo vệ sữa mẹ, còn lại DN sữa đã được dỡ bỏ trần quảng cáo theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế vừa được thông qua, có nghĩa DN sữa vẫn sẽ được quảng cáo tùy khả năng, trừ các sản phẩm dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường - Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thừa nhận, theo Luật Quảng cáo mới, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được phân thành hai lứa tuổi, từ 1 đến 3 tuổi và từ 3 đến 6 tuổi, nên sẽ khó trong việc phân loại. “Các DN kinh doanh sữa cần phải sắp xếp lại tên phù hợp với quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng như trong Nghị định. Cục Quản lý giá đã gửi văn bản yêu cầu các DN sản xuất, kinh doanh sữa phải phân loại và kê khai lại giá muộn nhất là ngày 15/4/2015”, ông Trường nói.
Để có con số phân loại cụ thể những sản phẩm nào dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi nhằm áp đặt quy định cấm quảng cáo sẽ phụ thuộc vào cách phân loại của Bộ Y tế đối với các sản phẩm sữa của DN sữa. Tuy nhiên đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa phân loại đủ.
Người tiêu dùng chọn mua sữa bột tại một đại lý trên đường Tây Sơn. Ảnh: Công Hùng
|
Có 3 kiểu DN sữa vẫn có thể sử dụng lách luật. Thứ nhất, đó là thay đổi mẫu mã, tên gọi, thành phần, thay đổi trọng lượng sữa để tăng chi phí. Thứ hai, DN sữa sẽ tăng giá mặt hàng sữa khác như sữa dành cho người lớn, người già, cho đối tượng đặc biệt như sữa cho người ăn kiêng, sữa bổ sung giàu canxi… để từ đó cân đối lợi nhuận giữa các mặt hàng đảm bảo có lợi nhất cho DN. Thứ ba, DN sữa bắt tay với nhà sản xuất để kê tăng giá nhập khẩu, chấp nhận tăng thuế để tăng giá. Đây là yếu tố đòi hỏi phải quản lý giá sát. Bộ Tài chính đã dùng công cụ là áp giá trần để quản lý. Tuy nhiên, giá trần này không cố định mà luôn động. Khi đầu vào tăng thì phải điều chỉnh tăng và ngược lại. Thời gian qua, cơ quan quản lý chưa tính được giá thực của các sản phẩm mà chỉ dựa vào báo cáo của DN. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Nếu đến tháng 5/2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước vẫn không giảm, thì khả năng sẽ áp dụng các giải pháp nhằm siết chặt quản lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, như tiếp tục áp trần giá sữa, kiểm tra giá nhập khẩu sữa nguyên liệu, tiến hành tham vấn giá nhập khẩu sữa cùng loại tại nước ngoài... Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn |