Gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Tác động tiêu cực đến an sinh xã hội

Thủy Trúc - Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế tối đa tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Bộ LĐTB&XH đề xuất siết chặt các quy định. Các chuyên gia lại cho rằng, bài toán căn bản là chính sách tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho người lao động (NLĐ).

Hưởng BHXH một lần chỉ giải quyết được bài toán trước mắt
Thống kê của BHXH Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm; giai đoạn 2016 – 2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đáng lo ngại, 3 tháng đầu năm 2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Số người hưởng BHXH một lần tăng lên nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm. Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH đã có ký Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất chính sách khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần. Đồng thời, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với NLĐ khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp; trừ trường hợp ra nước ngoài định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.
 Người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn tiền đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng phân tích, khoản tiền đóng góp vào quỹ BHXH là của để dành quý giá của NLĐ. Khoản tiền này không mất đi mà vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện tiếp tục tham gia theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (10%, 25%, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, tùy theo đối tượng).

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho rằng, NLĐ hưởng BHXH một lần về lâu dài sẽ có những tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, sẽ luôn là thách thức lớn để thực hiện mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 35%, năm 2025 là 45% và năm 2030 là 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH như Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra. Nếu NLĐ lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn so với tích lũy thời gian đủ để hưởng lương hưu.
Tạo việc làm và thu nhập ổn định

Nguyên nhân gia tăng số NLĐ hưởng BHXH một lần là do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến DN gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, không có đơn hàng, dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Khi mất việc làm, thu nhập không có, để tồn tại, NLĐ buộc lòng phải rút BHXH một lần. Vì thế, để giải bài toán BHXH một lần, các chuyên gia lao động cho rằng, không còn cách nào khác là tạo việc làm ổn định cho NLĐ để có thu nhập. Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tương lai 10 năm để được hưởng lương hưu chính là một trong những giải pháp để hạn chế hưởng BHXH một lần. Giải pháp này nhằm khuyến khích NLĐ có điều kiện thì tham gia BHXH tiếp để sau này hưởng lương hưu. Cùng với đề xuất phải thắt chặt lại điều kiện hưởng BHXH một lần, một giải pháp căn cơ được ông Lê Đình Quảng đưa ra là nâng mức tiền lương cho NLĐ. “Theo khảo sát hàng năm, chỉ có 10% công nhân đi làm có tích lũy từ lương và thu nhập. Số công nhân còn lại có thu nhập đủ sống hoặc phải làm thêm giờ mới đảm bảo cuộc sống, có nghĩa là khi họ ngừng làm việc là hết tiền. Không còn việc làm, NLĐ phải tính ngay đến tiền hưởng BHXH một lần để trang trải cho cuộc sống trước mắt”- ông Lê Đình Quảng giải thích.

Các chuyên gia lao động khác cũng đồng tình về việc giải bài toán BHXH một lần liên quan đến thị trường lao động. Cụ thể là phát triển mạnh thị trường lao động để NLĐ có công việc phù hợp với kỹ năng. Còn nếu thị trường lao động trục trặc, cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn đến NLĐ nhảy việc. Khi NLĐ nhảy việc từ chỗ DN có đóng BHXH sang nơi chưa tham gia BHXH, họ sẽ nhận BHXH một lần. “Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NLĐ bị mất việc làm, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Đặc biệt là thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại” – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), TS Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.

Một điều quan trọng nữa được các chuyên gia đề xuất là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để NLĐ hiểu rõ tham gia BHXH để được hưởng lương hưu và nhận thấy rõ được thiệt thòi khi hưởng BHXH một lần, từ đó có quyết định đúng đắn nhất.
Gốc của vấn đề là Nhà nước xây dựng chính sách để thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho NLĐ tìm được việc làm một cách thuận lợi, ổn định. Thứ hai, tiền lương của NLĐ phải đảm bảo cho cuộc sống; khi đó họ mới nghĩ đến tương lai là đóng BHXH lâu dài để sau này có lương hưu.

Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, PGS.TS Dương Văn Sao

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần