Gia tăng tình trạng khai thác cát trái phép ở vùng giáp ranh

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 3 vừa qua, Đội CSGT đường thủy số 3, CATP Hà Nội đã bắt gọn chiếc tàu mang số hiệu VP-0497 đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, thuộc địa phận quận Hoàng Mai. Đáng nói, chiếc tàu này có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng... đã hết hạn.

4 công ty đang hoạt động khai thác cát
Theo thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội, Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản TP Hà Nội đến năm 2020 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6572/QĐ-UBND ngày 9/12/2014, trong đó gồm 30 mỏ cát san lấp, tổng diện tích mỏ quy hoạch là 2369,54ha; tiềm năng, trữ lượng khoáng sản là 117 triệu mét khối.
Hiện tại, trên địa bàn TP có 9 công ty có Giấy phép khai thác cát còn hiệu lực, trong đó 4 công ty đang hoạt động khai thác (Công ty CP Thương mại Tiền Giang, khai thác khu vực xã Chu Phan - Mê Linh; DN tư nhân Hồng Giang, khai thác khu vực xã Liên Hồng - Đan Phượng; Công ty CP Xây dựng và kinh doanh xăng dầu Minh Đạt, khai thác khu vực xã Đại Mạch - Đông Anh; Công ty CP Quảng Tây, khai thác khu vực thị trấn Tây Đằng - Ba Vì); 1 công ty đang tạm dừng hoạt động là Công ty TNHH Phước An, do không có thiết kế khai thác; 4 công ty chưa triển khai hoạt động do chưa đủ các điều kiện bao gồm ký hợp đồng thuê đất hoặc chưa có đường để vận chuyển (Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh, Công ty CP Xây dựng Kiều Lê; DN tư nhân Dũng Hoa; Công ty CP Tư vấn và đầu tư Hàng Hải).
 Một tàu hút cát trên sông Hồng thuộc địa phận huyện Phúc Thọ. Ảnh: Chiến Công
Đánh giá về dự án khai thác cát của 9 DN nêu trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, qua kiểm tra, hoạt động khai thác cát thường phát sinh bụi, tiếng ồn. “Sở TN&MT đã nhắc nhở và tiếp tục yêu cầu các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn TP thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường.
Mặt khác, Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở NN& PTNT đánh giá ảnh hưởng của các dự án khai thác cát đến an toàn đê điều, dân cư, sạt lở, bờ, bãi sông trên địa bàn TP” - ông Lê Thanh Nam cho biết.
Cũng theo ông Lê Thanh Nam, trong thời gian qua, tình hình khai thác cát, sỏi trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực. Hiện không có hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát sỏi lòng sông. Hoạt động khai thác cát trái phép đã giảm nhiều so với trước đây và từng bước được kiểm soát, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý dứt điểm, triệt để.
"Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, lợi dụng giấy phép khai thác được UBND các tỉnh giáp ranh cấp phép hoặc lợi dụng ngày nghỉ lễ để hoạt động khai thác cát trái phép lòng sông” - Phó Giám đốc Sở TN&MT chia sẻ.
Tồn tại vì lợi nhuận lớn?
Nhằm ngăn chặn việc khai thác cát trái phép, ảnh hưởng tới môi trường, địa chất cũng như đời sống của người dân trong khu vực, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh, gồm: Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Đồng thời, phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong đó, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; kiểm tra, giám sát UBND cấp dưới trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Công an TP Hà Nội cũng có Quy chế số 4409/QCPH ngày 11/11/2016 ký với Công an các tỉnh giáp ranh nhằm đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh trên sông…
Sở dĩ, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn tồn tại, theo ông Lê Thanh Nam, là do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, trong khi chưa có nguồn vật liệu xây dựng thay thế, lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát lớn. Trong khi đó, công tác phối kết hợp giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng từ khi phát hiện hành vi vi phạm, đến công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.
“Để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn TP. Đồng thời, thực hiện tốt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam nhìn nhận.

Báo cáo của Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho thấy, trong năm 2019, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các đơn vị địa phương phát hiện, bắt giữ 84 vụ với 101 phương tiện khai thác cát trái phép.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần