Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá thịt lợn vẫn cao ngất ngưởng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các DN chăn nuôi lớn đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, lượng thịt lợn nhập khẩu cũng tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, giá thịt lợn trên thị trường vẫn rất cao.

Buôn bán thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Trọng Tùng
Giá cao nhưng không có để bán
Ghi nhận thực tế cho thấy, giá lợn hơi tại các tỉnh, TP trên cả nước những ngày qua liên tục tăng. Tại Hà Nội, thương lái phải trả tới 91.000 đồng cho 1kg lợn hơi. Trong khi đó, tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn là tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi cũng dao động ở mức 85.000 đồng/kg. Giá lợn cao nhưng nhiều chủ trang trại, hợp tác xã cho biết không có lợn để xuất bán. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, hiện mỗi ngày, đơn vị chỉ có thể cung ứng cho thị trường khoảng 3 tấn thịt lợn, bằng 50% so với giai đoạn sản xuất ổn định.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện thủ tục hành chính về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thịt lợn nhập khẩu bảo đảm ngắn gọn và nhanh nhất tại các cảng biển. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN nhập khẩu khối lượng 100.000 tấn thịt lợn về Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Đáng nói, người dân khó lòng mua được từ các DN sản xuất lớn với mức giá 70.000 đồng/kg. Thay vào đó, họ phải mua lại từ chủ lò mổ hoặc công ty con. Đây là những nguyên nhân khiến nhiều cơ sở chăn nuôi nhận định, giá lợn hơi khó có thể “hạ nhiệt” trong một sớm một chiều.
Ngoài ra, hiện nay, người chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng khan hiếm con giống. Giá lợn giống cũng đang ở mức rất cao, trung bình khoảng 2,7 - 3 triệu đồng/con (lợn mới cai sữa), gần 4 triệu đồng/con đối với lợn giống có trọng lượng từ 20kg trở lên. Đại diện Trại lợn giống Alpha (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho biết, hiện nay, giá lợn giống bán ra của đơn vị vào khoảng 3 triệu đồng/con nhưng nhiều thời điểm không có lợn giống để bán.
Tập trung nhập khẩu, hỗ trợ tái đàn
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn kéo giảm giá thịt lợn đang rất cao hiện nay, nguồn cung trong nước cần phải tăng thêm. Để thực hiện được điều đó thì việc tái đàn, tăng đàn trong người dân cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh đó, một số tỉnh, TP đã có chính sách hỗ trợ phát triển đàn lợn. Đơn cử như tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, TP sẽ hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái; mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi lợn khi tái đàn, tăng đàn cũng được hỗ trợ 6 tháng lãi suất cho vay vốn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận, gốc rễ hiện nay để kéo giảm giá thịt lợn là tăng nguồn cung thông qua tái đàn. Thực tế hiện nay đã có nhiều tỉnh, TP tái đàn lợn đạt hơn 90%, đơn cử như Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang. Tuy nhiên, tốc độ tái đàn lợn bình quân chung cả nước mới đạt khoảng 6,3%/tháng.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, phải đến quý IV/2020, ngành chăn nuôi lợn mới có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn để bù đắp thiếu hụt thị trường trước mắt.