Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 78.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 78.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng 500 đồng/kg tại các địa phương, trong khi khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 1.500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường có 4 ngày tăng liên tiếp, đưa giá tiêu Đắk Lắk, Đắk Nông bằng với Bình Phước, cao hơn cả Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Việt Nam, cây hồ tiêu được tìm thấy tự nhiên từ thời kỳ trước thế kỷ XVI, nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào canh tác. Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu được trồng với diện tích tương đối khá ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang), chủ yếu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam theo Mạc Cửu di cư vào Hà Tiên. Cũng trong khoảng thời gian này và đầu thế kỷ XX, cây hồ tiêu theo chân các chủ đồn điền người Pháp phát triển tới Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị và Quảng Nam.
Một vài tài liệu cho thấy trong những năm đầu thế kỷ XX, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam (chủ yếu ở Rạch Giá) có xu hướng giảm, từ gần 932 nghìn trụ năm 1910 giảm dần còn 346 nghìn trụ vào năm 1928, sau đó có tăng và đạt gần 544 nghìn trụ vào năm 1937, với năng suất bình quân gần 1 kg/trụ, cao nhất là 1,33 kg/trụ vào năm 1928.
Trong những thập niên 1940-1970 cây hồ tiêu phát triển rộng ra nhiều tỉnh miền Trung và Nam Bộ: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng diện tích khoảng 400ha và sản lượng chỉ dưới 600 tấn/năm.
Sau năm 1975, nhất là từ năm 1983 đến năm 1990, do giá hạt tiêu trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao, cây hồ tiêu được chú ý mở rộng diện tích, chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đạt gần 9.200 ha.
Khủng hoảng tài chính ở khu vực Đông Nam Á vào năm 1997, giá hồ tiêu xuất khẩu tăng liên tục từ 2.000 USD/tấn lên 4.000 USD/tấn vào khoảng giữa những năm 1997- 1999, có lúc lên đến 6.000 USD/tấn, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam phát triển sản xuất hồ tiêu.
Từ năm 1997, diện tích hồ tiêu cả nước tăng liên tục, từ 9.800 ha lên 52.500 ha (năm 2004). Năm 2014 giá hồ tiêu đạt đỉnh hơn 200.000 đồng/kg dẫn tới người dân đổ xô trồng hồ tiêu. Năm 2018 diện tích hồ tiêu Việt Nam đạt mức cao nhất 152.000 ha và sản lượng năm 2019 đạt mức cao nhất gần 300.000 tấn.
Tuy nhiên, các năm sau đó diện tích hồ tiêu giảm liên tục do nguồn cung dồi dào dẫn tới giá giảm liên tục, cùng với đó người dân hạn chế đầu tư chăm sóc dẫn tới năng suất giảm, tình trạng biến đổi khí hậu và dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới việc duy trì diện tích vườn tiêu.
Tính đến năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích hồ tiêu Việt Nam đạt khoảng 125.000 ha.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.873 USD/tấn, tăng 0,88%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.270 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.079 USD/tấn, tăng 0,87%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.700 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.500 USD/tấn. 2 ngày qua đồng USD giảm giúp giá tiêu Indonesia có cơ hội phục hồi.