70 năm giải phóng Thủ đô

Giá tiêu hôm nay 17/12: Đồng loạt tăng sốc, vượt 85.000 đồng/kg

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 17/12 trong khoảng 82.000 - 85.500 đồng/kg. Thị trường có 6 ngày tăng liên tiếp. Tổng kết tuần này, giá tiêu trong nước tăng trung bình 8.000 đồng/kg. Lo ngại nguồn cung giảm và thiếu hụt lượng hàng xuất khẩu dẫn đến tình trạng giá tiêu tăng liên tiếp từ cuối tháng 11/2023.

Giá tiêu hôm nay 17/12: Đồng loạt tăng sốc, vượt 85.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 17/12: Đồng loạt tăng sốc, vượt 85.000 đồng/kg

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 85.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 82.500 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg, tăng 3.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 85.500 đồng/kg, tăng 3.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng 2.500 - 3.500 đồng/kg tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường có 6 ngày tăng liên tiếp. Tổng kết tuần này, giá tiêu trong nước tăng trung bình 8.000 đồng/kg.

Trên bình diện toàn cầu, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế đánh giá, thị trường tuần này tiếp tục cho phản ứng trái chiều, khi chỉ có giá tiêu Indonesia được báo cáo giảm.

Lo ngại nguồn cung giảm và thiếu hụt lượng hàng xuất khẩu dẫn đến tình trạng giá tiêu trong nước tăng liên tiếp từ cuối tháng 11/2023. Những năm qua, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2020 diện tích trồng cây hồ tiêu hơn 130.000ha, năm 2023 giảm còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn.

Nguyên nhân tình trạng trên do giá tiêu ở mức thấp trong thời gian dài, trong khi đó, việc trồng sầu riêng đang cho lợi nhuận rất hấp dẫn. Theo kết quả khảo sát trên 450 hộ trồng tiêu, lợi nhuận của cây hồ tiêu đạt khoảng 2.000 USD/ha, trong khi những hộ trồng sầu riêng thu lợi nhuận cao gấp 20 lần, tức hơn 40.000 USD/ha.

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đánh giá, tình trạng trên về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sản lượng hồ tiêu và vị thế ngành tiêu Việt. Thực trạng trên thúc đẩy các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân có nhiều thay đổi.

Như tại Đắk Nông, sau 3 năm triển khai đề tài “Đánh giá tiềm năng phát triển của cây hồ tiêu nuôi cấy mô trong điều kiện canh tác tại Đắk Nông” đã cho nhiều kết quả khả quan. Đây là đề tài hợp tác nghiên cứu giữa Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông và Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 mô hình trồng hồ tiêu nuôi cấy mô ở Đắk Glong, Gia Nghĩa và Đắk Song. Qua kết quả cho thấy, cây hồ tiêu nuôi cấy mô sinh trưởng rất khoẻ so với tiêu thông thường được bà con nhân giống trồng cùng thời điểm. Cây hồ tiêu nuôi cấy mô sinh trưởng tốt hơn, khả năng ra dây ác mạnh hơn. Trong vòng 12 tháng trồng, hầu như 100% hồ tiêu nuôi cấy mô đủ điều kiện để bắt đầu phát triển.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cơ cấu giống hồ tiêu của Việt Nam rất nghèo nàn, chủ yếu là giống Vĩnh Linh và Lộc Ninh. Trong đó, giống tiêu Vĩnh Linh chiếm tới trên 90%. Viện đã thu thập được khoảng 40 vật liệu giống tiêu khác nhau để kết hợp một số vật liệu tiêu nước ngoài để bổ sung vào bộ giống tiêu Việt Nam.