Giá tiêu hôm nay 26/8: Giá xuất khẩu giảm nhẹ, giải pháp nào đảm bảo vị thế số 1 của ngành tiêu Việt?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 26/8 trong khoảng 76.000 - 79.000 đồng/kg. Thị trường trong nước đang trong giai đoạn trầm lắng, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm nhẹ 25 USD/tấn.

Giá tiêu hôm nay 26/8: Giá xuất khẩu giảm nhẹ, giải pháp nào đảm bảo vị thế số 1 của ngành tiêu Việt?
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 77.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 79.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 78.000 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu giữ ổn định so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Theo ipcnet, giá tiêu đen và tiêu trắng của Việt Nam giảm 25 USD/tấn so với hôm qua. Cùng đà giảm là giá tiêu xuất khẩu của Indonesia, các thị trường khác giữ ổn định.

Theo Peppertrade, đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung tiêu bị gián đoạn tại Việt Nam và Indonesia, tuy vậy trong khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9/2021, hạt tiêu vẫn còn hàng tại 3 quốc gia xuất khẩu chính (Việt Nam, Brazil và Indonesia).

Về nhu cầu nhập khẩu, các nhà nhập khẩu EU được kỳ vọng sẽ trở lại đặt mua hàng sau kỳ nghỉ đối với hạt tiêu Indonesia và Brazil. Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ đặt các lô hàng vụ mùa mới đối với hạt tiêu Việt Nam và hàng quý 4 từ Brazil.

Theo ghi nhận, thời tiết năm nay tại các khu vực trồng tiêu trọng điểm trong nước khá khắc nghiệt và thất thường. Ở Tây Nguyên, hạn hán đầu tháng 8/2021 ảnh hưởng đến hàng ngàn ha cây trồng, trong đó có hồ tiêu. Do tiêu năm nay được giá nên người dân nhiều địa phương mở rộng diện tích, trồng mới hoặc chuyển vườn trồng tiêu. Tuy vậy, nếu không chăm sóc có kỹ thuật thì chưa chắc những diện tích trồng mới này sẽ giúp tăng sản lượng tiêu trong nước. Bởi tình trạng cây chết, không ra bông... diễn ra rất nhiều trong vụ vừa qua. Một thời gian nông dân bỏ bê vườn tiêu khiến sự sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng, năng suất kém hẳn.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành tiêu trong nước, các địa phương đang dần dần vận động, đưa các hộ vào mô hình hợp tác xã liên kết hướng tới sản xuất an toàn.

Như huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) hiện có 6.053ha tiêu, sản lượng 12.1581 tấn/năm. Theo SGGP, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) có hơn 1.500ha và 1.565 hộ trồng tiêu, với sản lượng trên 2.500 tấn hạt tiêu đen/năm. Trước năm 2015, các hộ trồng tiêu sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dẫn đến việc liên kết và tiêu thụ với HTX Nông nghiệp Lâm San gặp nhiều khó khăn (chỉ 25% - 30% số mẫu an toàn). Sau đó, các hộ dân đã thay đổi thói quen canh tác truyền thống bằng việc sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, tỷ lệ mẫu an toàn đã tăng lên 90% và hàng năm HTX liên kết thu mua sản phẩm của nông dân trên 1.500 tấn, với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm 5.000 đồng/kg.

Ông Trương Đình Bá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, cho biết, mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu đang mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng. Hiện xã Lâm San đã thành lập được 3 HTX, 18 tổ hợp tác với 977 tổ viên và 1 cánh đồng lớn sản xuất tiêu với 721 hộ tham gia và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trên diện tích 877,5ha. Người trồng tiêu ở đây rất phấn khởi để canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn.

Tham gia HTX liên kết, thay đổi tư duy, trồng tiêu theo hướng hữu cơ đang là giải pháp trọng điểm ngành tiêu đang hướng đến, để tăng sản lượng hồ tiêu mà không mở rộng quá nhiều diện tích, năng cao năng suất cũng như đảm bảo đầu ra cho người trồng.