Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá USD tăng nhưng không khan hiếm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cung - cầu ngoại tệ không có gì căng thẳng, bởi với dự trữ ngoại hối được bổ sung từ nhiều nguồn thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đủ khả năng can thiệp để giữ ổn định trong thời gian tới.

Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.Giá USD tăng nhưng không khan hiếm - Ảnh 1

Quyết định tăng lãi suất lần này của FED sẽ tác động thế nào tới Việt Nam, thưa ông?

- Tại Việt Nam, tất cả những thông tin lan truyền về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã thẩm thấu vào thị trường từ sớm, và chúng ta cũng đã có những phản ứng chính sách trong 2 tháng qua. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá 5% so với VND. 3 lần tăng tỷ giá và 2 lần nới biên độ đã giúp xử lý phần nào những yêu cầu nội tại của nền kinh tế và dự phòng cho những diễn biến bên ngoài như Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và FED tăng lãi suất.

Việc chỉ tăng lãi suất ở mức 0,25% - một mức rất thấp, gần như mang tính ước lệ cho thấy FED vẫn đang rất thận trọng, và tác động trên thực tế là không lớn. Trong khi như nhiều báo cáo nhận định, dự trữ ngoại tệ hiện còn trên 30 tỷ USD nhưng thời gian tới sẽ được bổ sung một lượng dồi dào. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập siêu 11 tháng chỉ ở mức 2,87 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 11 tháng đạt 13,2 tỷ USD, với tốc độ này dự kiến cả năm sẽ đạt trên 14,5 tỷ USD. Kiều hối năm nay dự báo cũng đạt 13 - 14 tỷ USD. Ngoài ra còn nguồn giải ngân vốn ODA, thu từ du lịch... Bởi vậy, dự báo năm nay, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khá lớn.

Có ý kiến chuyên gia khuyến cáo việc FED tăng lãi suất USD sẽ làm đảo chiều dòng vốn thế giới, trong đó có Việt Nam và nợ nước ngoài tăng lên?

- Tôi cho rằng, với một nền kinh tế thâm dụng vốn như Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng cao, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định và lãi suất tiền đồng gấp nhiều lần USD sẽ không có gì phải lo ngại dòng vốn dịch chuyển đến nơi khác.
Ghi nhận thị trường ngày 17/12 cho thấy, trong khi giá USD tự do tiếp tục tăng khoảng 30 đồng/USD (phổ biến ở mức 22.740 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra) thì tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức kịch trần: 22.547 đồng/USD. Tuy nhiên, giá mua USD chuyển khoản tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB có giảm nhẹ khoảng 3 đồng/USD so với ngày trước đó, còn 22.517 đồng/USD. Giá mua USD tiền mặt tại các ngân hàng dao động từ 22.497 - 22.517 đồng/USD.
Mặc dù giá bán ra tại các ngân hàng vẫn neo ở mức kịch trần biên độ, song giá mua vào duy trì một khoảng cách khá xa cho thấy cung - cầu ngoại tệ khá cân bằng.
Trong khi giá USD cao thì giá vàng trong nước ngày 17/12 diễn biến cầm chừng. Tính đến 16 giờ, giá vàng niêm yết quanh 33,04 - 33,08 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng so với buổi sáng.

Chúng ta cũng không quá lo lắng về áp lực trả nợ. Hơn một nửa nợ hiện nay vay bằng VND, khoảng 46 - 48% vay bằng USD, còn lại là ngoại tệ khác. Lãi suất USD nếu tăng cũng chưa ảnh hưởng ngay tới các hợp đồng vay nợ đã ký. Nếu đồng USD lên giá, nhiều đồng tiền khác mất giá nên không thể kết luận ngay gánh nặng nợ nần gia tăng khi tỷ giá tăng. Đó là chưa kể chúng ta còn nguồn thu từ xuất khẩu và có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bù lại phần chênh lệch tỷ giá.

Như ông đã nói, FED tăng lãi suất không tác động lớn tới tỷ giá, vì NHNN đã có bước đi chủ động từ khá sớm. Vậy, hiện tượng các ngân hàng tăng giá bán USD kịch trần như mấy ngày qua có thể lý giải thế nào?

- Trên thực tế, thời gian gần đây, tỷ giá đã được đẩy lên sát trần, nguyên nhân một phần cũng bởi nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao vào dịp cuối năm. Việc giá mua áp sát trần chứng tỏ nhu cầu về tín dụng đang có thực. Vấn đề là ngoài nhu cầu USD của các DN xuất nhập khẩu tăng cao hơn vào dịp cuối năm thì một bộ phận giới đầu cơ kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục tăng tỷ giá nên "ôm vào" hoặc "găm hàng" không bán ra, buộc ngân hàng phải tăng giá bán USD. Tuy nhiên, hiện tượng tỷ giá tăng trong lúc này chủ yếu do yếu tố tâm lý, và như thế sẽ không bền vững.

Vậy, NHNN có cần phải đưa ra một thông điệp cụ thể lúc này để định hướng thị trường? Và theo ông, NHNN sẽ cần điều hành tỷ giá như thế nào trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng, vấn đề không phải là công bố hay không công bố, mà là khi công bố, ta có cách thức gì để tạo lập ra niềm tin của thị trường, niềm tin đó sẽ giúp điều tiết quan hệ cung - cầu. Không công bố nhưng vẫn có thể đưa ra những tín hiệu khác để neo niềm tin thị trường (như bán ra ngoại tệ, đưa ra công cụ phái sinh, đa dạng hóa các công cụ…).

Mức tăng 0,25%/năm thực sự không phải là vấn đề với nhiều nước cũng như Việt Nam, có chăng chỉ là thông điệp mới về khả năng phục hồi của kinh tế Mỹ. Theo lẽ thường, sau khi lãi suất tăng, đồng USD có thể tăng giá thêm nhưng trên thị trường quốc tế ngày 17/12, mức tăng không quá lớn và không kéo dài. Điều chúng ta chờ đợi là nếu tăng lãi suất, FED bình luận thế nào về quyết định này và có để lộ ra đường đi nước bước tiếp theo trong điều hành chính sách tiền tệ hay không.

Xin cảm ơn ông!
Trao đổi nhanh với báo chí tại Hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 - 2015 và những tác động đối với nền kinh tế” sáng 17/12, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này đang theo dõi sát diễn biến trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là ngoại hối khi FED đã chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%. NHNN cũng đánh giá, việc các ngân hàng thương mại tăng tỷ giá thời gian qua chủ yếu do tác động của yếu tố tâm lý và một phần nhu cầu thanh khoản cuối năm.
NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này, ít nhất là cho đến hết năm dương lịch. Quan trọng hơn, đây không phải là giai đoạn cấp thiết của thị trường về nhu cầu ngoại tệ mà là do tâm lý thị trường. Điều hành tỷ giá, vấn đề tâm lý thị trường rất quan trọng.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân

Bất luận trong tình huống nào, NHNN hẳn đang và sẽ khẩn trương hơn trong việc nghiên cứu, triển khai áp dụng một chế độ tỷ giá mới linh hoạt hơn, có tính thị trường hơn, có khả năng hấp thụ tốt hơn các cú sốc từ bên ngoài, đặt trong bối cảnh hoạt động tài chính - tiền tệ đang và sẽ thay đổi nhanh chóng. Hiện tại, sau khi nâng biên độ tỷ giá lên ±3%, tỷ giá đã có một khung dao động tương đối lớn, tuy nhiên, tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày vẫn cố định. Một khi tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày lên - xuống, sẽ là thời điểm thị trường tập làm quen với một tỷ giá linh hoạt hơn.
Chuyên gia kinh tế  Cấn Văn Lực