Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng đảo chiều tăng cả thị trường quốc tế và trong nước

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (23/1), giá vàng thế giới và trong nước đều đã đảo chiều đi lên sau 1 phiên chốt lời. Thị trường trong nước mức giao dịch vẫn trầm lắng.

Được hỗ trợ bởi những bất đồng từ Quốc hội Mỹ trong việc thông qua Dự luật ngân sách cho Chính phủ hoạt động, giá vàng thế giới ngày 22/1 đã leo lên mốc 1.336 USD/oz.

Cuối cùng Quốc hội nước này cũng đã thống nhất thông qua Luật Ngân sách trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi. Nhưng dù sao nó cũng giúp cho Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại trong ngày hôm nay, sau 3 ngày tạm đóng cửa (trong đó có 2 ngày nghỉ cuối tuần). Việc Quốc hội Mỹ thông qua Luật Ngân sách cũng làm giá vàng giảm nhẹ do nhà đầu tư chốt lời.
 Giá vàng trong nước tăng theo xu hướng thế giới. Ảnh minh họa.
Chốt phiên tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội) giá vàng thế giới đứng ở mức 1.332 USD/oz, tăng 2 USD so với chốt phiên trước, nhưng giảm tới 4 USD/oz so với mức cao trong ngày.

Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á lúc 8 giờ 15, vàng thế giới giao dịch quanh mức 1,335 USD/oz, tăng 5 USD/oz so với chốt phiên trước và tăng thêm 3 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.

Nguyên nhân khiến vàng bật tăng, theo phân tích của chuyên gia thế giới: Cục dự trữ Liên băng Mỹ (FED) tiếp tục đi đầu trong việc thu hẹp bảng cân đối kế toán, tức giảm nắm giữ trái phiếu Chính phủ từ 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2020 chỉ còn khoảng 2,5 nghìn tỷ USD. Điều này sẽ khiến đồng USD tiếp tục không được hỗ trợ và vàng sẽ khởi sắc.

Cùng chiều với đó, giá vàng trong nước cũng bật tăng mỗi lượng vài chục nghìn đồng. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua-bán tại TP Hồ Chí Minh quanh mức 36,73-36,9 triệu đồng/lượng. Tại thị trường Hà Nội và Đà Nẵng giá vàng SJC giao dịch cùng thời điểm mua-bán ở mức 36,73-36,92 triệu đồng/lượng. Tất cả các thị trường trên đều tăng giá vàng SJC 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước.

Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán vẫn giữ ở mức 170.000 – 190.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm trên, giá vàng SJC được tập đoàn Doji niêm yết ở mức 36,77-36,85 triệu đồng một lượng, tăng 30.000 đồng/lượng chiều mua và 20.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Đây cũng là mức niêm yết và tăng giá vàng SJC của Công ty Phú Quý. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,75-36,81 triệu đồng/lượng.

Các DN sáng nay đã điều chỉnh tăng mạnh giá vàng nhẫn. Cụ thể, nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng được Tập đoàn Doji niêm yết với giá 36,56-36,48 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết với giá 36,55-36,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Đặc biệt chênh lệch giá giữa 2 chiều mua - bán của Công ty Phú Quý vẫn ở mức cao với 400.000 đồng/lượng.

Theo các chuyên gia thế giới, vàng thế giới khó có thể bứt phá mạnh, vì các yếu tố hỗ trợ không nhiều. Thêm vào đó, sự thăng hoa trong giai đoạn vừa qua của vàng chưa được nhà đầu tư xả mạnh, khiến giá vẫn ở mức cao. Trong khi đó, thế giới vẫn ghi nhận nhiều khu vực, nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, khiến thị trường chứng khoán đang sôi động tạo áp lực lên giá vàng. Nếu vàng giảm mạnh xuống dưới mức 1.320 USD thì mới có đà tăng bứt phá.

Đánh giá của một số DN, giá vàng trong nước điều chỉnh giá trong biên độ hẹp do đó thị trường vẫn thiếu các nhà đầu tư lớn, phát sinh giao dịch vẫn mang tính nhỏ lẻ, tuy nhiên có phần khởi sắc hơn so với trước. Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ vàng trong một phần tài sản của mình, bởi lẽ các yếu tố hỗ trợ và không hỗ trợ thị trường đan xen nhau, nó có thể làm vàng tăng và giảm bất kỳ khi nào. Đặc biệt, đồng USD tăng – giảm dễ nhạy cảm tác động đối với giá vàng.