Theo quyết định, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước được phép mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối nhà nước.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có quyết định tạo cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước vào cuộc bình ổn giá vàng, thu hẹp chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới. Các văn bản hướng dẫn quyết định trên dự kiến cũng sẽ được ban hành trong một vài ngày tới.
Sau đợt tăng giá nhẹ trong ngày hôm qua, sáng nay (5/3) giá vàng trong nước đã điều chỉnh giảm khoảng 70.000 đồng mỗi lượng so với mức giá chốt phiên 43,72 triệu đồng/lượng trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Lúc mở cửa, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC ở 43,55 - 43,65 triệu đồng, hạ 70.000 đồng so với đóng cửa hôm qua. Hơn nửa tiếng sau, doanh nghiệp này tiếp tục hạ giá bán xuống 43,52 triệu đồng. Chiều mua cũng giảm thêm 110.000 đồng.
Tương tự, sau khi mở cửa ở 43,65 triệu đồng, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đưa giá bán xuống 43,55 triệu đồng. Chiều mua vàng SJC tại đây hiện còn 43,42 triệu đồng, thấp hơn 130.000 đồng so với cùng thời điểm hôm qua.
Lúc 9h, Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý báo giá vàng ở 43,47 - 43,57 triệu đồng. So với đóng cửa hôm qua, giá nay thấp hơn 150.000 đến 160.000 đồng mỗi lượng.
So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC ở thời điểm này giảm 130.000 đồng/lượng. Xu hướng nhùng nhằng tăng giảm của giá vàng dưới vùng 44 triệu đồng/lượng đã tồn tại suốt khoảng 1 tuần trở lại đây. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 3,25 triệu đồng/lượng.
Do thiếu vắng thông tin tác động, giá vàng thế giới gần như di chuyển ngang trong phiên giao dịch đêm qua và sáng nay.
Lúc 9h20 sáng nay theo giờ Việt Nam, vàng giao ngay tại thị trường châu Á có giá 1.578,1 USD/oz, tăng 2,3 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ. Đêm qua tại New York, giá vàng đóng cửa hạ 2,2 USD/oz, còn 1.575,6 USD/oz.
Tính đến hôm qua, vàng đã có 4 phiên giảm giá liên tục. Áp lực giảm giá đối với vàng đến từ những tín hiệu khả quan hơn của kinh tế toàn cầu. Sự khởi sắc triển vọng kinh tế đưa thị trường chứng khoán tăng điểm, theo đó giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.
Trong những ngày sắp tới, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là một loạt của các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Các động thái chính sách của các ngân hàng này có thể tác động tới đường đi nước bước của giá vàng.
Theo dự báo, BoJ và ECB sẽ duy trì các mức lãi suất cơ bản hiện tại, nhưng BoE có thể phải khởi động lại chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Hôm qua, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã có phiên bán vàng ra thứ 10 liên tục. Hiện quỹ này chỉ còn nắm 1.253,3 tấn vàng, giảm 0,6 tấn so với cuối tuần trước, và là mức nắm giữ thấp nhất trong 7 tháng.
Trên thị trường ngoại tệ trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 5/3 là 20.828 đồng/USD, không đổi so với phiên trước. Trần tỷ giá áp dụng cho các ngân hàng thương mại giữ nguyên ở mức 21.036 đồng/USD.
Ở mức giá hiện tại, sau khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank thì giá vàng thế giới tương đương hơn 39,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn thương hiệu SJC trong nước khoảng 3,8 triệu đồng/lượng.