Đầu phiên sáng nay, lúc 6 giờ 5 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng gần 2.165 USD/ounce, giảm mạnh hơn 16 USD/ounce so với cùng thời điểm này phiên sáng qua.
Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.165 USD/ounce, giảm hơn 16 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Thị trường vàng trong nước đứng phiên hôm qua 22/3, giá vàng miếng SJC tiếp tục lao dốc so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh, đứng quanh mức 78 – 80 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 78 – 80,02 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 800.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 77,7 – 79,7 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 800.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 77,3 – 79,3 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 900.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong phiên hôm qua bất ngờ đảo chiều lao dốc so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 68,38 – 69,68 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 800.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,3 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 68,35 – 69,65 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 750.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 850.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục lao dốc là do đồng USD chưa dừng đà tăng. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt tăng mạnh 0,42% lên mức 104.075 điểm vào lúc 6 giờ 5 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Đồng USD được hưởng lợi từ các thông tin kinh tế và việc làm tại Mỹ tháng 2 tích cực, bất chấp Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông tin sẽ giảm lãi suất điều hành trong năm nay.
Nền kinh tế Mỹ phục hồi tích cực đã giúp cho giới đầu tư thoát vốn khỏi kim loại quý là vàng – tài sản đảm bảo an toàn vốn chuyển sang đầu tư vào tài sản sinh lời là cổ phiếu và trái phiếu.
Phiên ngày 21/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã lập đỉnh mới, tăng gần 0,7% lên mức 39.781,37 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 5.241,53 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,2% lên 16.401,84 điểm.
Chuyên gia nhận định, giới đầu tư chuyển sang đầu tư tài sản dễ rủi ro như chứng khoán, điều này cho thấy thị trường phần nào đã yên tâm khi kinh tế Mỹ vẫn vững vàng bất chấp lãi suất còn ở mức cao hơn 20 năm và Fed dự kiến cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Giá vàng trong nước tiếp tục lao dốc, sau khi Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp.
Tính đến 6 giờ 25 sáng nay, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá ngân hang đang ở mức hơn 64 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC trên thị trường tự do và các doanh nghiệp đang cao hơn vàng thế giới từ hơn 15,3 triệu đến 16 triệu đồng mỗi lượng, chưa kể thuế, phí.
Việc chênh lệch của vàng trong nước với quốc tế quá cao như hiện nay, khi Nhà nước sửa Nghị định 24, bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thì giá vàng SJC sẽ hết đường “nhảy múa”. Điều này chắc chắn sẽ thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, nếu người dân đã mua vàng có lời nên chốt sớm nhằm tránh rủi ro khi giá vàng tiếp tục sụt giảm.