Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 26/6: Giá vàng bật tăng, diễn biến kinh tế mới đáng lo ngại

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (26/6), giá vàng thế giới và trong nước đảo chiều tăng mạnh. Thông tin kinh tế tháng 6 của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm qua chưa kịp lắng xuống, thì thị trường đã đón nhận thông tin mới đó là nợ công của Pháp đạt 118,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đẩy giá vàng tăng mạnh.

Vàng thế giới phụ thuộc vào USD
Chốt phiên đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng ở mức trên 1.781 USD/ounce, tăng 6,6 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.781 USD/ounce, tăng hơn 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trong tuần qua, vàng chịu áp lực giảm 3 phiên liền giữa tuần, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và quỹ ETF vàng hàng đầu thế giới tiếp tục bán ra kim loại quý.
Tuy nhiên, phiên cuối tuần giá vàng đã đảo chiều đi lên. Tính chung trong tuần vàng thế giới đã tăng 18 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần trước và 9 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
 Giá vàng thế giới và trong nước bật tăng. Ảnh minh họa.

Chuyên gia nhận định, giá vàng tăng trở lại phiên cuối tuần là do Mỹ sắp bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thông báo đã đạt thỏa thuận với một nhóm nghị sỹ lưỡng đảng về kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Những khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ giúp cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ càng mạnh hơn. Đi kèm theo đó sẽ là lạm phát gia tăng, giúp cho vàng có cơ hội đi lên.
Đặc biệt, ngày 25/6, Viện Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE) đã cho biết nợ công của nước này đạt 2.739,2 tỷ euro tương đương khoảng 3.271,3 tỷ USD trong quý 1/2021, bằng 118,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia. Nguyên nhân là do các biện pháp kích thích tài chính liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh Covid-19 và kế hoạch phục hồi kinh tế.
Giới đầu tư lo ngại, điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về kinh tế và tiền tệ. Do đó, các nhà đầu tư đã mua lại vàng tránh rủi ro cho dòng tiền.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho biết, một số ngân hàng trung ương đã xem xét thắt chặt tiền tệ ngay trong năm nay, tránh lạm phát gia tăng. Cụ thể, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, có thể sẽ một lần nữa đi đầu trong chu kỳ tăng lãi suất ở châu Á. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế tăng trưởng tín dụng, bằng việc tăng lãi suất cho vay. Còn Ngân hàng Trung ương New Zealand dự kiến tăng lãi suất trong năm tới 2022
Việc hạn chế tăng trưởng tín dụng ở châu Á sẽ có thể lan sang các nước ở các khu vực khác. Điều này sẽ khiến các đồng tiền mạnh lên. Có thể vàng sẽ không tăng giá mạnh.
Hiện tại, giới đầu tư dõi theo các kế hoạch giảm mua tài sản và tăng lãi suất của Fed. Nếu Fed cũng có 1 trong 2 quyết định là giảm mua trái phiếu hoặc tăng lãi suất thì vàng sẽ lùi sâu.
Vàng trong nước biến động hẹp
Sáng nay, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua – bán quanh mức 56,5 – 57,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua – bán trong khoảng 56,5 – 57,12 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,45 – 57 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 550.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty Phú Quý lại tăng giá vàng miếng SJC, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,58 – 56,98 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,5 – 52,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,5 - 52,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước biến động theo thị trường thế giới nhưng biên độ dao động hẹp. Tính chung, trong tuần giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Vàng SJC tại Doji đã tăng giá 300.000 đồng/lượng và Phú Quý đã tăng 220.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, khi giá vàng SJC ở những phiên giá thấp đã có 55% lượng khách mua vào và 45% lượng khách bán ra.
Các DN vẫn đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc khi giao dịch, bởi diễn biến các nền kinh tế trên toàn cầu và sự ảnh hưởng của đồng USD đến vàng.