Giá vàng hôm nay 6/9: Tiếp tục tăng cao khi chuỗi kinh tế toàn cầu đứt gãy

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (6/9), thị trường quốc tế tiếp tục tăng khi nhiều khu vực kinh tế cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm, bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do đợt dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát.

Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.828 USD/ounce, nhích nhẹ gần 1 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường tự do trong nước cũng đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,75 - 57,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,75 - 57,47 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
 Giá vàng thế giới tăng. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp sáng nay vẫn niêm yết ngang giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,5 - 57,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,7 - 57,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, giá vàng nhẫn tiếp tục không có điều chỉnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 50,7 - 51,8 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,1 triệu đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 50 - 52 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Khu vực kinh tế đồng tiền chung châu Âu vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng 8 của khu vực này chỉ đạt 61,4 điểm, giảm mạnh so với mức của tháng 7 là 62,8 điểm và cũng thấp hơn mức dự báo 61,5 điểm.
Trước đó, Trung Quốc cũng công bố chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của nước này giảm từ 50,4 điểm tháng 7 xuống còn 50,1 điểm trong tháng 8 và kéo dài chuỗi 3 tháng giảm liên tục. Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ còn giảm mạnh nhất kế từ khi diễn ra dịch bệnh Covid-19, xuống còn 47,4 điểm, dưới mức trung bình. Đại diện Cục Thống kê Trung Quốc cho rằng, đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và thiên tai kéo dài đã khiến các đơn đặt hàng trong tháng 8 bị hạn chế.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất giảm mạnh, điều này cho thấy các chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu đang bị đứt gãy. Dự báo, kinh tế các quốc gia và các khu vực sẽ tăng trưởng chậm lại.
Cùng với đó, số liệu việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 ở lĩnh vực tư nhân chỉ đạt khoảng 50% và lĩnh vực phi nông nghiệp tại Mỹ chỉ bằng khoảng trên 30% so với kỳ vọng.
Những số liệu về đơn hàng và lao động sụt giảm ở các khu vực kinh tế lớn, điều này cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang chậm tăng trưởng do dịch bệnh gia tăng. Dự báo của chuyên gia, giá vàng vẫn có nhiều khả năng tăng giá, bởi số liệu việc làm kém xa so với kỳ vọng và tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ khiến các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xem xét việc thắt chặt tiền tệ.