Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 7/1: SJC tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng tuần đầu năm 2024

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (7/1), thị trường thế giới tuần qua giảm sâu sau nhiều thông tin kinh tế và việc làm tích cực được các nền kinh tế lớn công bố. Ngược lại, giá vàng SJC vẫn có một tuần tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới giảm sâu

Kết thúc tuần, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở ngưỡng 2.047 USD/ounce. Giá vàng giao theo hợp đồng tháng 2/2024 đứng quanh mức 2.052 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đã giảm mạnh mất 15 USD/ounce. Vàng giao theo hợp đồng tháng 2/2024 đã giảm 21 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Giá vàng thế giới giảm mạnh trong tuần. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong tuần. Ảnh minh họa.

Tuần qua, giá vàng thế giới giảm mạnh là do các nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản công bố các dữ liệu kinh tế, việc làm khá tích cực.

Trong đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố báo cáo việc làm tháng 12/2023 lĩnh vực phi nông nghiệp ở mức 216.000 việc làm mới, tăng cao hơn mức 173.000 việc đạt được ở tháng trước và 170.000 việc dự báo trước đó. Thu nhập bình quân tính theo giờ (năm/năm) tăng từ 4% tháng 11 lên 4,1% tháng 12 và cao hơn mức 3,9% dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 12 vẫn giữ ở mức 3,7%.

Tại Mỹ, chỉ số PMI sản xuất của ISM cũng tăng từ 46,7 điểm tháng 11 lên 47,4 điểm tháng 12/2023. Mặc dù chỉ số này thấp dưới mức 50 mở rộng, nhưng chiều hướng tăng của chỉ số này cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi.

Tại Nhật Bản, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh từ mức 50,8 trong tháng 11 lên mức 51,5 điểm trong tháng 12. Chuyên gia nhận định, hoạt động của khu vực dịch vụ của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã có 16 tháng tăng trưởng liên tiếp, đóng góp tích cực vào động lực tăng trưởng kinh tế của quốc gia Mặt trời mọc.

Khu vực châu Âu đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo tháng tăng nhẹ từ 2,4% tháng 11 lên 2,9% tháng 12/2023. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát lõi CPI – (sau khi đã loại trừ yếu tố giá xăng dầu và thực phẩm dễ tăng giá) tính theo năm tại châu Âu ở mức 3,4% giảm nhẹ so với mức 3,6% đạt được trước đó và mức 3,5% dự báo. Như vậy, chỉ số lạm phát lõi vẫn đang giảm theo chiều hướng tích cực.

Sau các dữ liệu kinh tế kể trên, giới đầu tư giao dịch vàng trên thế giới đã có những phiên bán ròng vàng, đẩy giá kim loại quý giảm sâu như kể trên. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, tuần tới giá vàng thế giới sẽ bật tăng mạnh mẽ khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu.

Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc tháng 12 giảm từ 49,4 tháng 11 xuống mức 49 điểm tháng 12, thấp hơn mức 49,5 điểm dự báo. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc sụt giảm.

Cùng với đó, ngày 5/1, Tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ Zhongzhi Enterprise Group của Trung Quốc, với khối tài sản lên tới hơn 140 tỷ USD đã nộp đơn xin phá sản, vì không thể trả được các khoản nợ. Đơn vị này cho biết có khoảng 66 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán không thể thanh toán.

Thông tin này khiến thị trường tài chính và giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tiền đầu tư của rất nhiều tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân đã rót vốn vào đây. Việc Tập đoàn Zhongzhi Enterprise phá sản có thể dẫn đến làn sóng dây chuyền đổ vỡ của một số đơn vị khác.

Chuyên gia nhận định, khi thị trường gia tăng yếu tố rủi ro sẽ khiến giới đầu tư tìm đến vàng để lưu trú dòng tiền. Do đó, tuần tới, giá vàng thế giới sẽ tăng mạnh khi nhu cầu tăng cao.

Vàng SJC tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 6/1, giá vàng SJC trên thị trường tự do và các doanh nghiệp cũng cơ bản đi ngang so với phiên trước. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC đứng quanh mức 72 – 75 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 72 – 75,02 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán tiếp tục giữ ở mức rất cao 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 72 – 75 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 72,3 – 74,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra. Chênh lệch mua – bán nới rộng ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn phiên hôm qua tăng nhẹ so với phiên trước. Cụ thể. giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 62,58 – 63,68 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 20.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 62,1 – 63,15 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,05 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước tuần qua vẫn không đi theo xu hướng thế giới. Giá vàng SJC có 3 phiên tăng đầu tuần và 2 phiên đi ngang cuối tuần. Kết thúc tuần, giá vàng SJC tại thị trường tự do cũng như ở Doji đều tăng 1 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu tăng 800.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh gần 600.000 đồng/lượng tại Bảo Tín Minh Châu. Giá vàng nhẫn tại Doji tăng 300.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Theo nhận định của một số nhà đầu tư và doanh nghiệp, giá vàng trong nước tăng là bởi thị trường vẫn chưa có những biện pháp tháo gỡ của cơ quan chức năng khi nguồn cung vàng SJC trên thị trường vẫn thiếu.