Chốt phiên đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ đứng trên mức trên 1.818 USD/ounce, giảm mạnh 19 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức trên 1.821 USD/ounce, giảm hơn 10 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua; trước đó có lúc giá vàng rơi về mốc 1.816 USD.
Giá vàng trong nước sáng nay cũng giảm mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mức 55,67 – 56,02 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch trong khoảng 55,67 - 56,04 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giảm 110.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 350.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội quanh mức 55,6 - 56 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 55,7 - 56 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 130.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 300.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 51,8 – 52,5 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 51,9 - 52,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên hôm qua. So với sáng qua, đơn vị nay đã giảm 200.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng trên thị trường Mỹ trong phiên đêm qua -¥ rạng sáng nay (giờ Hà Nội) chứng khiến sự đảo chiều bất ngờ. Đầu phiên, vàng tăng vọt giá lên ngưỡng 1.845 USD/ounce, nhưng lại nhanh chóng lao dốc, khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh hơn kỳ vọng, với mức tăng 0,8% trong tháng 4 so với tháng 3 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ từ 2008 trở lại đây, bất chấp dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Các con số dự báo trước đó CPI tháng 4 chỉ tăng 0,2% so với tháng 3 và tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Trước đó, ngày 12/5 Nhật Bản đã cho biết: Kinh tế nước này đang cải thiện, với xuất khẩu và sản xuất phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, với chỉ số điều kiện kinh doanh tăng 3,2 điểm trong tháng 2; tăng 4,3 điểm lên 103,2 điểm trong tháng Ba, đánh dấu 10 tháng tăng liên tiếp và mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2014 trở lại đây.
Cũng trong ngày 12/5, Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia hàng đầu trong Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 3,8% được đưa ra trong dự báo trước đó.
Những thông tin tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước và khu vực kinh tế lớn trên thế giới đã khiến nhà đầu tư rời bỏ tài sản đảm bảo là vàng, chuyển sang nắm giữ tiền hoặc chuyển kênh đầu tư sinh lời.