Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 12/5 (theo giờ Việt Nam), cgiao tháng 8/2023 giảm 1,69 USD, tương đương 2,3%, xuống mức 70,87 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 7 giảm 1,43 USD, tương đương 1,9%, xuống mức 74,98 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng, đây là mức đóng cửa thấp nhất cho cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn kể từ ngày 4/5. Giá dầu Brent và WTI của Mỹ cùng giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong một tuần ở phiên giao dịch trước đó.
Sự trượt dốc của giá dầu chịu tác động bởi bế tắc chính trị liên quan đến trần nợ của Mỹ làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này gia tăng, cùng với dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Dữ liệu về đồng USD đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất, nhưng không thúc đẩy kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu bằng cách tăng chi phí vay, gây áp lực cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/5 đã kêu gọi Quốc hội tăng trần nợ 31,4 nghìn tỉ USD và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ chưa từng có có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết. việc kéo dài thời gian tăng lãi suất cao có thể gây thêm căng thẳng cho các ngân hàng nhưng sẽ là cần thiết nếu lạm phát vẫn ở mức cao.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng nhẹ 0,2% trong tháng 4 - mức tăng lạm phát sản xuất hàng năm nhỏ nhất trong hơn hai năm.
Dữ liệu cho tháng 3 đã được sửa đổi với PPI giảm 0,4% thay vì 0,5% như báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI đã tăng 2,3% - mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 1/2021 và thấp hơn mức tăng 2,7% trong tháng 3.
Fed đã tăng lãi suất chuẩn qua đêm thêm 500 điểm cơ bản lên phạm vi 5,00% - 5,25% kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát.
Tuần trước, Fed đã báo hiệu khả năng tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980. Trong một diễn biến khác, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một kế hoạch sâu rộng nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính từ ngành năng lượng, một trong những bước lớn nhất từ trước đến nay nhằm nỗ lực khử cacbon cho nền kinh tế để chống lại biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, dữ liệu yếu từ Trung Quốc với các khoản vay ngân hàng mới trong tháng 4 giảm mạnh so với dự kiến đã làm gia tăng lo ngại rằng quá trình phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế hàng đầu Đông Á đang mất đà.
Thị trường dầu đã phớt lờ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu của OPEC cho năm 2023, trong đó tiếp tục dự báo nhu cầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, cao hơn so với dự báo 760.000 thùng/ngày vào tháng trước.
Tuy nhiên, OPEC cho rằng sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc có thể được bù đắp bởi rủi ro kinh tế ở những nơi khác, bao gồm cả cuộc chiến trần nợ của Mỹ.