Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu hôm nay ghi nhận dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 79,74 USD/thùng, giảm 1,49 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 87,97 USD/thùng, giảm 0,52 USD/thùng trong phiên.
Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, những tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thế giới vẫn tăng sau 4 tuần giảm liên tiếp trước đó.
Nhận định của các chuyên gia, giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 26/9 với xu hướng tăng mạnh, khi thị trường lo ngại tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine có thể dẫn tới các quyết định cắt, giảm nguồn cung năng lượng từ Nga.
Thị trường dầu thô cũng đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi mạnh khi mùa Đông khắc nghiệt đến gần và dịch Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc.
Giá dầu cũng được thúc đẩy bởi đồng USD yếu hơn và tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư khi giá vàng đen tụt đáy 8 tháng.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 26/9/2022 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 79,44 USD/thùng, tăng 0,70 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 86,78 USD/thùng, tăng 0,63 USD/thùng trong phiên.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị chặn lại, và rơi vào trạng thái lao dốc khi thị trường liên tiếp ghi nhận cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sớm rơi vào trạng thái suy thoái và đồng USD tăng vọt.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát đi cảnh báo về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và sẽ rơi vào suy thoái kinh tế vào năm 2023. Cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát có thể đẩy nhiều nền kinh tế lớn vào suy thoái.
OECD nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ còn 3% và giảm xuống còn 2,2% vào năm 2023. Sản lượng toàn cầu năm 2023 được dự báo thấp hơn 2.800 tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Pháp. Đáng lưu ý, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung Euro giảm mạnh từ mức 3,1% trong năm 2022 xuống chỉ còn 0,3% trong năm 2023.
Dự báo bi quan về nền kinh tế Mỹ cũng được OECD đưa ra khi nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 là 1,5% và năm 2023 là 0,5%.
Còn với Trung Quốc, OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống còn 3,2% trong năm 2022 và 4,7% cho năm 2023, giảm lần lượt 4,4% và 4,9% so với dự báo được đưa ra vào tháng 6/2022.
Tăng trưởng kinh tế chậm lợi, thậm chí rơi vào suy thoái sẽ làm giảm các nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu, trong đó có nhu cầu dầu thô.
Đồng USD vọt lên mức cao nhất 20 năm trước lo ngại xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều khu vực sẽ đẩy kinh tế toàn cầu sớm rơi vào suy thoái kinh tế.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng 30/9/2022 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 81,66 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 88,49 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng trong phiên.
Mặc dù vậy, đà tăng của dầu thô đã không thể duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần khi thông tin sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 9/2022 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, nhờ sản lượng từ Libya phục hồi sau thời gian gián đoạn được phát đi. Các nước Vùng Vịnh cũng có kế hoạch tăng sản lượng theo thoả thuận với những nước đồng minh.
Với những diễn biến như trên, giá dầu thô tuần tới được kỳ vọng tiếp tục được cải thiện, đặc biệt khi nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu đang bị gián đoạn và có nguy cơ gia tăng khi các lệnh trừng phạt, cấm vận của EU, G7 đối với dầu khí Nga có hiệu lực.