Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 2/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 4 tăng 1,71 USD, tương đương 2,19%, lên mức 79,97 USD/thùng. Còn Brent giao tháng 5 tăng 1,64 USD, tương đương 2%, lên mức 83,55 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 hết hạn vào ngày 29/2 dừng ở mức 83,62 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 2,4%, dầu WTI tăng hơn 4,5%. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng 2% do các nhà giao dịch chờ đợi quyết định của OPEC+ về nguồn cung trong quý II và chịu tác động bởi các dữ liệu kinh tế mới của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Chủ tịch của Lipow Oil Associates Andrew Lipow nhận xét, kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện trong quý II/2024 là trọng tâm chính của thị trường.
Theo Reuters, quyết định gia hạn cắt giảm của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 3 và từng quốc gia dự kiến sẽ công bố quyết định của mình. Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết, việc tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối năm sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ và đó là yếu tố tích cực về giá.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng của OPEC là 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng 1. Kỳ vọng mạnh mẽ về việc Saudi Arabia giữ giá dầu thô bán cho khách hàng châu Á ít thay đổi trong tháng 4 so với mức tháng 3 cũng củng cố thị trường dầu.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Biển Đỏ tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Ngày 29/2, người đứng đầu lực lượng Houthi cho biết nhóm này sẽ tạo những “bất ngờ” quân sự trong khu vực.
Tuần này, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung số giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ 2 liên tiếp. Số giàn khoan dầu, một dấu hiệu sớm cho sản lượng tương lai, đã tăng 3 giàn lên 506 giàn, cao nhất kể từ tháng 9/2023. Về phía cầu, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, trong tháng 2 hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 49,1 từ mức 49,2 hồi tháng 1.
Mặc dù lạm phát tại khu vực đồng Euro đã giảm trong tháng 2 (2,6%) nhưng mức tăng giá cơ bản vẫn ở mức cao làm tăng thêm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục lâu hơn trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách vào giữa năm.
Một yếu tố hỗ trợ giá khác là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ cho thấy lạm phát tháng 1 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, củng cố thị trường đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6.