Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 20/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 67 cent xuống mức 73,41 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn giảm 54 cent xuống mức 78,56 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm nhẹ chưa đến 1 USD. Tuy nhiên, giá dầu đã chính thức đánh dấu tuần tăng thứ hai kể từ đầu năm đến nay.
Sự leo dốc này của giá dầu được hỗ trợ bởi căng thẳng ở Trung Đông và sự gián đoạn sản lượng dầu bù đắp những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 0,5%, trong khi giá dầu WTI tăng hơn 1%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến trong quý IV/2023 của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về dự báo nhu cầu ở quốc gia Đông Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng dầu toàn cầu vào năm 2024.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần này đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm. Dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu hơn đã đẩy giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày 19/1.
Trong khi đó tại Trung Đông, rủi ro địa chính trị đã hỗ trợ giá leo dốc trong tuần này. Ngày 19/1, căng thẳng leo thang ở Gaza khi lực lượng Israel tiến về phía Nam, tấn công nhằm vào Hamas.
Đầu tuần, Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm nhằm vào lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Mặc dù xung đột ở Trung Đông không làm ngừng hoạt động sản xuất dầu nhưng tình trạng thiếu nguồn cung vẫn tiếp tục xảy ra ở Libya.
Ngoài ra, Mỹ vẫn bị thiếu hụt khoảng 30% sản lượng dầu ở Bắc Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba nước này, do thời tiết cực lạnh. Giữa tuần, sản lượng dầu ở bang này đã giảm khoảng 700.000 thùng/ngày hay hơn một nửa vào giữa tuần. Cơ quan quản lý nhà nước cho biết có thể mất một tháng để sản xuất trở lại mức bình thường.
Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ, yếu tố chỉ báo sớm về sản lượng, đã giảm 2 giàn xuống còn 497 trong tuần này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã nâng dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2024 thêm 180.000 thùng/ngày lên 1,25 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức dự báo này cũng chỉ xấp xỉ 1/2 dự báo của OPEC. OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Theo nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB, dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa rõ ràng bởi các bên liên quan và tổ chức nghiên cứu đưa ra những dự báo rất khác nhau.