Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 20/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2023 giảm 49 cent, tương đương 0,7%, xuống mức 71,29 USD/thùng. Còn dầu Brent giảm 48 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 76,13 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng, những lo ngại xoay quanh nền kinh tế chưa phục hồi của Trung Quốc đẩy giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần.
Giá dầu “đỏ sàn”, đảo ngược hoàn toàn đà tăng của hai phiên giao dịch cuối tuần trước và mức tăng hơn 2% của cả tuần trước.
Reuters đưa tin, một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc, sau khi dữ liệu tháng 5 công bố tuần trước cho thấy sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
Sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc trong tháng 5 thấp hơn dự báo. Điều này đòi hỏi Bắc Kinh cần phải hành động hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch. Ngân hàng Nomura của Nhật Bản đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm của Trung Quốc từ 5,5% xuống 5,1%, sau động thái tương tự của UBS, Standard Chartered, Bank of America và JPMorgan.
Các ngân hàng hiện kỳ vọng GDP của Trung Quốc năm 2023 sẽ nằm trong khoảng từ 5,1% đến 5,7%, giảm so với mức từ 5,5% đến 6,3% trước đó. Dự kiến hôm nay, Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm các khoản vay chính sách trung hạn giữa tuần trước, lần giảm lãi suất đầu tiên trong 10 tháng, để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
Hạn chế đà giảm của giá dầu là sự tăng sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5, lên mức cao thứ hai trong lịch sử và việc cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động của các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần thứ bảy liên tiếp.
Xuất khẩu dầu của Iran tăng cũng gây áp lực lên giá. Theo các nhà tư vấn, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 bất chấp những lệnh trừng phạt của Mỹ, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu khi các nhà sản xuất khác đang hạn chế sản lượng.