Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 21/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 1 giảm 0,56%. Còn dầu Brent kỳ hạn giá dầu Brent giảm 0,62%.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, giá dầu tăng nhẹ sau phiên giao dịch đầy biến động do các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông sau các cuộc tấn công tàu của lực lượng Houthi của Yemen ở Biển Đỏ.
Hạn chế mức tăng là tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, và dự trữ nhiên liệu tăng cao hơn dự kiến. Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 47 cent, tương đương 0,6%, lên mức 79,7 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên mức 74,22 USD/thùng.
Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đều nhanh chóng chuyển sang tiêu cực sau báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và khả năng về một lệnh ngừng bắn mới sau khi lãnh đạo Hamas có chuyến thăm đầu tiên tới Ai Cập sau hơn 1 tháng.
Theo EIA, trong tuần kết thúc vào ngày 15/12, tồn kho dầu của Mỹ tăng 2,9 triệu thùng; tồn kho xăng tăng 2,7 triệu thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,5 triệu thùng. Đầu phiên, giá dầu tăng hơn 1 USD khi các hãng vận tải hàng hải lớn chọn tránh tuyến đường Biển Đỏ bằng các chuyến đi dài hơn, làm tăng phí vận chuyển và bảo hiểm.
Trong ngày, Hy Lạp đã khuyến cáo các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden tránh vùng biển của Yemen. Các chủ tàu Hy Lạp kiểm soát khoảng 20% tàu thương mại trên thế giới xét về phương diện sức chở. John Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC ở Galena, Illinois, cho biết: “Khả năng giá giảm đáng kể sẽ xuất hiện dựa trên đề xuất đầu tiên về ổn định vận chuyển hàng hóa qua hành lang Biển Đỏ”.
Ngày 19/12, Washington đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ thương mại ở Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng Houthi thề sẽ thách thức sứ mệnh hải quân do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ để hỗ trợ Hamas. Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển thế giới đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù nguồn cung dầu đã được điều chỉnh lại nhưng vẫn chưa xuất hiện tình trạng thiếu hụt. Ole Hansen, nhà phân tích tại Ngân hàng Saxo, nhận xét: “Chừng nào sản xuất không bị đe dọa, thị trường cuối cùng sẽ điều chỉnh để thay đổi tuyến cung ứng”.
Trong một diễn biến khác, dữ liệu gần đây càng củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất. Theo Reuters, trong tháng 11, giá sản xuất của Đức giảm nhiều hơn dự kiến.
Trước đó đã có thông tin tháng trước, lạm phát khu vực đồng euro giảm mạnh xuống 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tại Anh, trong tháng 11, lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm.