Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 23/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 1 giảm 33 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 73,56 USD/thùng. Còn Brent giảm 32 cent, tương đương 0,4%, xuống mức 79,07 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm nhẹ ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do kỳ vọng Angola có thể tăng sản lượng sau khi rời OPEC.
Với mức giảm khá khiêm tốn ở 2 phiên cuối của tuần giao dịch, giá dầu tuần này tiếp tục ghi nhận tuần tăng, khoảng 3%, cao hơn so với mức tăng chưa đến 1% tuần trước đó.
Đà leo dốc của giá dầu được thúc đẩy bởi tin tức kinh tế tích cực của Mỹ và lo ngại các cuộc tấn công tàu của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ sẽ làm tăng phí nguồn cung. Tại Trung Đông, nhiều hãng vận tải biển cho biết đang tránh Biển Đỏ do lực lượng Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn thực hiện các cuộc tấn công vào các tàu thương mại hoạt động trong khu vực này. Houthi lý giải hành động của mình là nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Israel ở Gaza.
Các chủ hàng lớn Maersk và CMA CGM cho biết sẽ áp dụng các khoản phí bổ sung liên quan đến việc định tuyến lại tàu. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đã gây ra sự gián đoạn giao thương qua kênh đào Suez.
Việc tạm dừng cung cấp trực tiếp không phải là lý do duy nhất khiến giá dầu bị ảnh hưởng bởi diễn biến ở Biển Đỏ; giá cước vận tải và phí bảo hiểm đang tăng lên.
Ở châu Phi, quyết định rời OPEC của Angola có thể mở đường cho Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào dầu mỏ và các lĩnh vực khác của nước này. Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày.
Sẽ mất một khoảng thời gian để sản lượng dầu của Angola tăng ngay cả khi Trung Quốc tiến sâu vào đó. Dữ liệu lạm phát của Mỹ và các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ sẽ hỗ trợ giá dầu hơn bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào trong tương lai từ Angola.
Trong khi đó, tại Iraq, người phát ngôn Bộ dầu mỏ Asim Jihad khẳng định Iraq ủng hộ thỏa thuận OPEC+ và cam kết cắt giảm dầu tự nguyện. Tại Mỹ, chỉ số lạm phát thấp hơn dự kiến, khiến nhà đầu tư lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm chi phí đi vay vào năm tới.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiêu dùng, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.