Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 24/3: Tăng giảm trái chiều

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nguyên nhân khiến giá xăng dầu thế giới ghi nhận tuần trái chiều đầu tiên sau chuỗi tăng - giảm đan xen gần 2 tháng qua.

Các chuyên gia cho biết, nhân tố chính tác động đến biến động giá dầu tuần này là xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia giảm, các nhà máy lọc dầu của Nga giảm công suất do bị tấn công liên tục bằng máy bay không người lái, và Fed giữ nguyên lãi suất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu bật tăng khoảng 2% ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, được thúc đẩy bởi sự giảm trong xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia cũng như những dấu hiệu nhu cầu và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc và Mỹ.

Đà tăng của giá dầu kéo sang phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Trong phiên này, giá dầu Brent đã tăng lên mức 87,38 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 4 tháng. Giá dầu WTI cũng tăng vượt mốc 83, đạt 83,47 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023. Giá dầu leo dốc bởi các nhà giao dịch đánh giá những cuộc tấn công gần đây vào các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu toàn cầu. Reuters ước tính công suất lọc dầu của Nga giảm 7%, tương đương khoảng 370.500 thùng/ngày.

Kỳ vọng giá dầu lập hat-trick tăng ngày đã tiêu tan ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5% của Fed đã đẩy giá dầu trượt dốc. Mặc dù duy trì lãi suất ở mức cao, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất 3 lần trong năm nay (giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản).

Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3 giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Theo đó, tồn kho dầu giảm 2 triệu thùng xuống 445 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm 3,3 triệu thùng xuống 230,8 triệu thùng, đánh dấu tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng 624.000 thùng lên 118,5 triệu thùng.

Ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu kéo dài đà giảm do kỳ vọng về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và dữ liệu nhu cầu xăng dầu yếu hơn của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tin tưởng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza giữa Israel và Hamas có thể đạt được qua các cuộc đàm phán ở Qatar. Còn theo John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, nếu đàm phán hòa bình thành công, lực lượng Houthi sẽ cho phép các tàu chở dầu đi qua Biển Đỏ.

Theo Dailyfx, sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều tháng, giá dầu đã điều chỉnh và kiểm tra lại mốc 85 USD/thùng - ngưỡng kháng cự kể từ tháng 12 năm ngoái.
Với 2 phiên tăng cao và 3 phiên giảm nhẹ, giá dầu tuần này đã tăng-giảm trái chiều với dầu Brent tăng 10 cent, dầu WTI giảm 46 cent.

Giá dầu tuần tới sẽ biến động theo diễn biến của các cuộc đàm phán nhằm đi tới một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas kéo dài khoảng 6 tháng.