Chốt tuần giao dịch, hôm nay, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2023 đứng ở mức 79,85 USD/thùng, tăng 1,69 USD trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2023 đứng ở mức 86 USD/thùng, tăng 1,25 USD trong phiên.
Các chuyên gia phân tích, bước vào tuần giao dịch từ ngày 27/2, giá dầu thế giới với xu hướng tăng nhẹ nhờ triển vọng tiêu thụ dầu từ Trung Quốc và Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng cao hơn dự kiến.
Theo Theo Oilprice, một công ty tư vấn năng lượng lớn kỳ vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể tăng 500.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày trong năm nay, đạt 11,8 triệu thùng/ngày.
Về phía cung, sau khi OPEC+ tuyên bố về việc tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng, theo một số nguồn tin được phát đi, Nga có kế hoạch cắt giảm 25% sản lượng xuất khẩu từ các cảng phía Tây trong tháng 3/2023. Điều này đồng nghĩa mức cắt giảm sản lượng của Nga sẽ vượt xa mức dự kiến 500.000 ngàn thùng/ngày được đưa ra trước đó.
Số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ cũng được ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, một chỉ báo tiêu cực đến mức sản lượng tương lai của nước này. Dữ liệu từ Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí đã giảm 7 giàn xuống còn 753 giàn trong tuần tính đến ngày 24/2.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 28/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2023 đứng ở mức 75,75 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 82,45 USD/thùng.
Nhưng sang phiên giao dịch ngày 1/3, khi lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến và duy trì trong thời gian dài lấn át kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng của Nga, giá dầu đã quay đầu đi xuống. Giới đầu tư lo ngại lãi suất cao có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí rơi vào trạng thái suy thoái.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 2/3, rriển vọng tiêu thụ dầu tích cực và đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá dầu quay đầu tăng. Tâm lý lạc quan đang được thúc đẩy bởi “sức nóng” từ 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Theo dữ liệu vừa được công bố, hoạt động sản xuất trong tháng 2/2023 của Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Cụ thể, số liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 1/3, PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2023 là 52,6 điểm, cao hơn nhiều so với mức 50,1 điểm của tháng 1/2023.
Đáng chú ý, con số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã vượt xa mức dự báo 50,5 được giới chuyên gia đưa ra trước đó.
PMI trong lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2 cũng được ghi nhận tăng mạnh lên mức 56,3 từ mức 54,4 điểm của tháng 1/2023.
Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế đã làm gia tăng triển vọng tiêu thụ dầu, qua đó bù đắp các dấu hiệu gia tăng nguồn cung từ OPEC+ và dự trữ dầu thô Mỹ tăng.
Giá dầu ngày 2/3 có xu hướng tăng còn do đồng USD suy yếu trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ không đánh đổi tăng trưởng, đặt nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái để đẩy lãi suất lên mức 6%. Giới đầu tư tin rằng, Fed sẽ chỉ đưa lãi suất lên mức 5,3% và sẽ xem xét điều chỉnh giảm vào cuối năm 2023.
Đà tăng của giá dầu chỉ tạm dừng lại vào đầu phiên giao dịch ngày 3/3 khi đồng USD phục hồi và thị trường dự báo dự trữ dầu thô Mỹ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi những yếu tố tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu lấn át các lo ngại về suy thoái kinh tế, lai suất, và nhiều lo ngại về năng lực sản xuất của các nhà cung cấp dầu thô hàng đầu, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.
Giá dầu ngày 4/3 tăng mạnh còn do lo ngại về cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Mỹ bùng nổ có thể kéo theo việc Nga cắt giảm mạnh sản lượng và xuất khẩu hơn.