Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 7/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 86,45 USD/thùng, giảm 0,06 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 6/9, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 giảm 2,34 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 92,78 USD/thùng, giảm 0,05 USD/thùng trong phiên và giảm 2,61 USD so với cùng thời điểm ngày 6/9.
Nhận định của các chuyên gia, do lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một rõ hơn ở nhiều quốc gia khiến giá dầu ngày 7/9 sụt giảm mạnh.
Tại châu Âu, khu vực EuroZone được dự báo gần như chắc chắn rơi vào suy thoái, khi các kết quả khảo sát mới nhất được công bố ngày 5/9 cho thấy, cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí nghiêm trọng hơn và triển vọng ảm đạm tiếp tục khiến người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu.
Áp lực suy thoái kinh tế tại khu vực EuroZone còn lớn hơn khi thông tin Dòng chảy phương Bắc 1 vẫn dừng hoạt động, tiếp tục kéo dài thời gian bảo trì. Điều này đồng nghĩa với áp lực về việc đảm bảo nguồn cung khí đốt, năng lượng vào mùa Đông vốn đang khó khăn sẽ trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Giá khí đốt cũng theo đó tăng cao.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp vào thứ 5 (ngày 8/9) tới với nội dung trọng tâm là xem xét về việc tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát, kiểm soát giá cả đang leo thang.
Giới đầu tư dự báo khả năng ECB sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm. Đây vốn vẫn được xem là “con dao hai lưỡi”, bởi việc tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp.
Trong khi tại Trung Quốc, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đang được áp dụng tại nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn cũng đang tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này.
Quyết định giảm nhẹ sản lượng của OPEC+ vào tháng 10/2022 được xem là một chỉ báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD vọt lên mức cao nhất 20 năm.