Giá xăng dầu hôm nay 4/9: Ghi nhận tuần tăng giảm đầy biến động

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu thụ dầu giảm, tình trạng thặng dư gia tăng khiến giá dầu hôm nay ghi nhận tuần giảm mạnh.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 87,25 USD/thùng, tăng 0,64 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 93,44 USD/thùng, tăng 1,08 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, ngay phiên giao dịch đầu tuần, ngày 29/8, giá dầu thô đã có xu hướng giảm nhẹ khi thị trường dầu thô dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn trước khả năng Fed phát tín hiệu về việc có thể tăng lãi suất trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề kinh tế hằng năm của FED ở Jackson Hole (bang Wyoming, miền Tây nước Mỹ) hôm 26/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề cập đến một đợt tăng lãi suất mới vào những tháng tới nhằm kiềm chế lạm phát.

Giới chuyên gia lo ngại, quyết định của Fed về việc tăng thêm lãi suất có thể kéo theo làn sóng tăng lãi suất mới của các ngân hàng trung ương. Điều này sẽ khiến áp lực phục hồi kinh tế lớn hơn, đặc biệt là với nhiều quốc gia châu Âu và Trung Quốc khi đang phải hứng chịu đợt nắng nóng, hạn hán khắc nghiệt, kéo dài.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 29/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,79 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 100,48 USD/thùng.

Nhưng khi thông tin về việc OPEC+ có khả năng xem xét giảm sản lượng được phát đi và đồng USD yếu hơn, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh. Tuy nhiên, xu hướng này cũng không duy trì được lâu khi ngay phiên giao dịch sau đó, lo ngại nhu cầu giảm mạnh khi Trung Quốc tái áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã khiến giá dầu giảm mạnh.

Theo đó, chính quyền đặc khu kinh tế Thâm Quyến sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh. Hàng triệu dân của thành phố Đại Liên cũng đang phải sống trong cảnh phong tỏa do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao.

Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ giảm sâu giá dầu sang châu Á. Theo 5 nguồn tin lọc dầu mà Reuters thăm dò, Ả Rập Xê-út có thể giảm giá Arab Light tại thị trường trọng điểm châu Á xuống trung bình 4,50 USD/thùng cho đợt nạp tháng 10. Các nhà tinh chế dự kiến ​​giá tháng 10 của Arab Light là từ 3,85 USD đến 6,30 USD/thùng so với Oman/Dubai.

Đến sáng 31/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,18 USD/thùng, tăng 0,54 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 30/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã giảm tới 4,63 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 99,71 USD/thùng, tăng 0,40 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 5,16 USD so với cùng thời điểm ngày 30/8.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng khi OPEC+ nâng mức dự báo dư cung dầu toàn cầu trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ (JTC), bao gồm các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước liên minh, dự báo mức dư cung trên thị trường đầu mỏ năm nay sẽ đạt 900.000 thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam.
Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam.

Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở mức mạnh hơn. Dữ liệu thống kê từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ xăng của nước này đã giảm 3,4 triệu thùng, trong khi các sản phẩm chưng cất gồm dầu diesel và nhiên liệu bay đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/8. Cũng theo dữ liệu từ API thì dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 593.000 thùng, trái ngược với dự báo giảm khoảng 1,5 triệu thùng được đưa ra trước đó.

Đà giảm của giá dầu thô chỉ bị chặn lại khi G7 quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô của Nga và Nga tuyên bố cứng rắn về việc sẽ không giao dầu và các sản phẩm chưng cất cho các nước đồng thuận, ủng hộ với quyết định này của G7.

Nga đồng thời cũng cảnh báo sẽ ngừng cấp khí đốt nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định về một biện pháp tương tự với khí đốt Nga.