Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 8/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,36 USD, tương đương 3,2%, lên mức 76,22 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn tháng 3 tăng 2,42 USD, tương đương 3%, lên mức 81,36 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng và giá dầu WTI lần đầu tiên tăng vượt 75 USD/thùng trong tháng 2 này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, giá dầu tăng vọt hơn 3% do lo ngại về cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông sau khi Israel từ chối lời đề nghị ngừng bắn từ Hamas.
Ngày 8/2, Israel đã ném bom thành phố biên giới phía Nam Rafah sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất chấm dứt xung đột ở vùng đất của người Palestine.
Đối tác của Again Capital LLC John Kilduff cho biết, thị trường đang nín thở không biết hậu quả tiềm tàng tiếp theo có thể xảy ra là gì. Các cuộc tấn công vào hoạt động vận chuyển của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tiếp tục làm gián đoạn giao dịch dầu mỏ toàn cầu.
Trong khi đó, ngày 8/2, phái đoàn Hamas đã đến Cairo (Ai Cập) để đàm phán ngừng bắn với các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar. Tại Mỹ, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến cũng thúc đẩy thị trường dầu mỏ. Dự trữ nhiên liệu giảm, kết hợp với dự trữ dầu thô tăng là dấu hiệu bảo trì nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Việc bảo trì nhà máy lọc dầu đang diễn ra tại Mỹ, cùng với việc châu Âu đang thiếu dầu diesel có thể giúp duy trì tâm lý tích cực hiện nay, hỗ trợ giá dầu thẳng tiến.
Theo các nhà phân tích, tại Nga, thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine và sự cố kỹ thuật đã dẫn đến xuất khẩu dầu thô nhiều hơn dự kiến trong tháng 2, có khả năng làm suy yếu cam kết cắt giảm nguồn cung của nước này theo thỏa thuận trong OPEC+.
Trong khi đó, mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy - mỏ lớn nhất ở Biển Bắc - sẽ duy trì sản lượng ổn định ở mức cao hơn 755.000 thùng/ngày cho đến hết năm. Công suất dự kiến ban đầu của mỏ dầu này là 660.000 thùng/ngày.
Nhà phân tích tại UBS Giovanni Staunovo cho biết, tăng trưởng nhu cầu vẫn tốt ở các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, bao gồm Ấn Độ và Mỹ. Cũng trong ngày 8/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã giảm nhẹ hơn dự kiến vào tuần trước, chỉ ra sức mạnh cơ bản của thị trường việc làm.