Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu ngày 15/1: Dầu thô ghi nhận tuần tăng hơn 8%

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nguồn cung dầu có nguy cơ thắt chặt hơn, nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc được cải thiện, đồng USD mất giá đã đẩy giá dầu thô tuần qua tăng mạnh, tới hơn 8%.

Khép tuần giao dịch, hôm nay, trên sàn New York Mercantile Exchanghe ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 80,07 USD/thùng, tăng 1,68 USD trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 85,37 USD/thùng, tăng 1,34 USD trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, bước vào tuần giao dịch từ ngày 9/1, giá dầu thế giới có xu hướng tăng sau tuần lao dốc mạnh nhờ đồng USD suy yếu và triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu được cải thiện.

Theo đó, JP Morgan vừa phát đi báo cáo Triển vọng thị trường năm 2023, trong đó nhận định kinh tế toàn cầu không có nguy cơ suy thoái nhờ lạm phát giảm mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng. JP Morgan cũng dự báo giá dầu Brent đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023.

Trước đó, Reuters cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát riêng đối với 30 nhà kinh tế, phân tích được thực hiện vào cuối năm 2022 về giá dầu. Theo đó, kết quả cho thấy các ý kiến nhất trí cao là mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2023 sẽ là 89,37 USD/thùng.

Thị trường cũng kỳ vọng Fed giảm tốc lãi suất và tìm được điểm dừng trong thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023 khi các dữ liệu kinh tế về việc làm, bảng lương… cho thấy nền kinh tế nước này vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 4,3% trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 3% của năm 2022. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo dự báo của S&P, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể đạt mức 15,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 700.000 thùng so với năm 2022.

Người dân đổ xăng tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Người dân đổ xăng tại Hà Nội. Ảnh minh họa
 

Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.352 đồng/lít, xăng RON 95 không cao hơn 22.154 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 21.634 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 21.809 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.366 đồng/kg.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng vừa đưa dự báo tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 102,2 triệu thùng nhờ tăng cường nhu cầu từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ.

Ở diễn biến mới nhất, theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đã điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho năm 2023, nâng tổng hạn ngạch năm nay thêm 20% so với mức cùng kỳ năm ngoái.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 9/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 74,03 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 78,82 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu chỉ bị chặn lại trong phiên 11/1 khi thị trường dấy lên lo ngại về việc Fed tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, lo ngại này nhanh chóng bị lấn át bởi kỳ vọng kinh tế toàn cầu đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng mạnh khi Trung Quốc mở trở lại nền kinh tế.

Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi niềm tin của giới đầu tư vào khả năng lạm phát Mỹ hạ nhiệt, tạo cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ở diễn biến khác, thị trường dầu thô cũng dấy lên nhiều lo ngại về khả năng tác động từ các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là áp trần với giá dầu thô Nga sẽ lớn hơn các dự báo.

Trước đó, Nga đã lên kế hoạch về việc cắt giảm sản lượng từ 5-7% sản lượng.

Giá dầu cũng được thúc đẩy khi thị trường dầu thô đang xuất hiện nhiều dự báo về việc OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa vào cuộc họp chính sách vào tháng 2 nhằm nâng giá dầu.