Giá xăng dầu ngày 18/12: Dầu thô lao dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh, bởi triển vọng nhu cầu tiêu thụ kém lạc quan và đồng USD mạnh hơn. Song, tính trong tuần giao dịch, giá dầu thô lại tăng.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu hôm nay ghi nhận dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 74,50 USD/thùng, giảm 1,61 USD/thùng trong phiên. Còn dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 79,24 USD/thùng, giảm 1,97 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia phân tích, bước vào tuần giao dịch từ ngày 12/12, giá dầu thô có xu hướng tăng mạnh khi mà những lo ngại gián đoạn nguồn cung được dấy lên trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu tích cực.

Sau khi EU, G7 thông báo mức giá áp trần đối với dầu thô Nga, Nga đã phát đi cảnh báo sẽ cắt giảm sản lượng để đáp trả quyết định này. Động thái trên của Nga có thể đẩy thị trường dầu mỏ vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, đặc biệt khi Trung Quốc vừa thông báo nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc.

Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch ngày 13/12, khi thông tin đường ống dẫn dầu thô Keystone của TC Energy Corp nối từ Canada đến Mỹ phải đóng cửa kéo dài hơn dự kiến để sửa chữa được phát đi.

TC Energy Corp đã đóng đường ống Keystone từ cuối ngày 7/12 sau khi sự cố tràn dầu được phát hiện. Đường ống Keystone có công suất 622.000 thùng/ngày, là huyết mạch quan trọng vận chuyển dầu thô từ Canada đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ và vùng Vịnh Mexico để xuất khẩu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến sáng 14/12, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 75,19 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 80,40 USD/thùng.

Tuy nhiên, vào cuối phiến 14/12, khi thông tin về dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 9/12 được phát đi, giá dầu thô đã quay đầu giảm.

Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng 7,819 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 877.000 thùng; dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 3,9 triệu thùng…

Giá dầu lại đảo chiều mạnh trong phiên 15/12 khi OPEC, IEA đều đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

OPEC dự báo về nhu cầu dầu năm 2023 tăng 2,25 triệu thùng/ngày, lên mức 101,8 triệu thùng/ngày. Còn IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày, lên 101,6 triệu thùng/ngày. Các dự báo trên được OPEC, IEA đưa ra đều dựa trên tiềm năng tiêu thụ dầu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, sau khi nước này công bố mở cửa trở lại nền kinh tế.

Nhưng trong phiên giao dịch cuối tuần, khi lo ngại suy thoái kinh tế “nóng” lên bởi làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương châu Âu, đặc biệt là Fed, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.

Quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương như Fed, ECB, BoE… cũng làm dấy lên những lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Lãi suất tăng sẽ làm tăng đáng kể các chi phí sản xuất cũng như tiêu dùng, qua đó sẽ làm chậm, thậm chí kéo tụt đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh nhưng sẽ kéo dài. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023 và có thể kéo sang đầu năm 2024. Điều này cũng là nhân tố khiến giá dầu ngày 16/12 có xu hướng giảm.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu đang được dấy lên nhiều lo ngại thì nguồn cung dầu thô lại khá tích cực. Tình trạng ùn tắc tàu chở dầu ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải quyết. Nga vẫn đang bán một lượng lớn dầu thô cho Ấn Độ giá dưới mức giá trần của EU, G7 đặt ra.

Tập đoàn năng lượng TC Energy Corp cũng vừa phát đi thông tin cho biết đường ống dẫn dầu Keystone sắp được nối lại sau sự cố rò rỉ hơn 14.000 thùng dầu ở vùng Kansas (Mỹ) khiến toàn bộ đường ống phải đóng cửa hôm 7/12.