Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu ngày 26/2: Tuần trồi sụt khó lường

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu và nguồn cung eo hẹp khiến giá dầu thô có tuần giao dịch biến động, tăng giảm liên hồi.

Khép tuần giao dịch, hôm nay, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2023 đứng ở mức 76,45 USD/thùng, tăng 1,06 USD trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 83,17 USD/thùng, tăng 0,96 USD trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, bước vào tuần giao dịch từ ngày 20/2, giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng lại được dấy lên với kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga và năng lực sản xuất của OPEC hạn chế.

Nhu cầu năng lượng được dự báo tăng cao khi các hoạt động du lịch đang bùng nổ tại nhiều quốc gia, nhu cầu đi lại gia tăng, đặc biệt là lĩnh vực hàng không.

Về phía cung, trái ngược với các dự báo tích cực về triển vọng tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô, nguồn cung lại đang có dấu hiệu thắt chặt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nga sẽ bắt đầu kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3 tới. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 1 đã giảm 49.000 thùng/ngày so với tháng 12, xuống mức trung bình 28,88 triệu thùng/ngày, theo nguồn tin thứ cấp trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của OPEC (MOMR).

Ả Rập Xê-út, nước khai thác lớn nhất, cũng là nhà lãnh đạo trên thực tế của liên minh, đã bơm 10,319 triệu thùng/ngày trong tháng 1, giảm 156.000 thùng/ngày so với tháng trước và thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với hạn ngạch 10,478 triệu thùng/ngày như một phần của thỏa thuận OPEC+, đặt ra tại cuộc họp tháng 10 và có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023 hoặc cho đến khi OPEC+ có quyết định khác.

Ngày 14/2, OPEC cho biết trong báo cáo hàng tháng rằng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày (tương đương 2,3%), nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước - vốn đã cao hơn mức trước đại dịch.

OPEC+ cũng cho biết sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng từ nay đến cuối năm, bất chấp những tín hiệu khởi sắc của nhu cầu dầu.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 20/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2023 đứng ở mức 76,63 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 83,13 USD/thùng.

Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc cộng với lo ngại nguồn cung eo hẹp đã hỗ trợ giá dầu ngày 21/2 tăng mạnh. Thị trường ghi nhận dự báo giá dầu lên tới 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, khi những lo ngại suy thoái kinh tế, thậm chí là khủng hoảng tài chính có thể xảy ra khi các ngân hàng trung ương tiếp tục động thái tăng lãi suất được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.

Độ trễ chính sách và áp lực chi phí do mặt bằng lãi suất tăng treo cao trong thời gian dài cộng với dấu hiệu lạm phát “cứng đầu” hơn và bất ổn chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn… được chỉ ra là những yếu tố có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào trạng thái tiêu cực như trên.

Mặt bằng lãi suất cũng được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong cả năm 2023 trước khi lạm phát xuống mức mục tiêu tạo cơ sở cho các đợt giảm lãi suất. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với các hoạt động kinh tế, đặc biệt là chi phí sản xuất.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, khi thị trường đánh giá lại các yếu tố cung – cầu và triển vọng thị trường, đặc biệt là triển vọng tiêu thụ từ Trung Quốc tích cực, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Thị trường cũng ghi nhận thông tin Nga có thể cắt giảm mạnh hơn sản lượng xuất khẩu trong tháng 3 lấn át dữ liệu dự trữ dầu thô Mỹ tăng. Cụ thể, theo một số nguồn tin được phát đi, Nga có kế hoạch cắt giảm 25% sản lượng xuất khẩu từ các cảng phía Tây trong tháng 3/2023, cao hơn mức dự kiến 500.000 thùng/ngày như tuyên bố trước đó.