Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ mái ấm gia đình

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Có lần con ốm nặng ông bà cho đi khám, bác sĩ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc đó con thèm lắm có mẹ ở bên” – đó là lời kể của em Thào A Lềnh (sinh năm 2000, Yên Bái) được bày tỏ trong một triển lãm mang tên “Giấc mơ gia đình” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Con là ai?
“Bố mất từ khi con chưa sinh ra, mẹ bỏ 6 anh em chúng con đi lấy chồng. Vì vậy, con không biết mặt bố và cũng không có nhiều ký ức về mẹ. Con chỉ nhớ cũng có lần mẹ đến thăm và khóc, nói thương chúng con” – em Giàng A Thọ (sinh năm 1999, Sơn La) kể.
 Du khách tham quan tại triển lãm. Ảnh: Ngọc Tú
Câu chuyện của Giàng A Thọ chỉ là một trong 20 đứa trẻ đến từ nhiều vùng, miền khác nhau như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hưng Yên, Khánh Hòa… Có em là người dân tộc thiểu số, có em sinh ra ở thành thị nhưng có cùng điểm chung là thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ. Trong đó có nhiều đứa trẻ cả tuổi thơ sống trong những trung tâm bảo trợ, trong sự bao bọc của các nhà hảo tâm… Họ là những nhân vật chính trong triển lãm “Giấc mơ gia đình” với 3 chủ đề: Cuộc sống không bình yên; Khi con tìm thấy nụ cười và Những ước mơ nhỏ bé do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Thực tế, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương từ xã hội. Đáng quan tâm khi những tổn thương ấy lại đến chính từ nơi gọi là “gia đình”. Đây là hệ quả đáng tiếc của những mặt trái đang hiện hữu trong xã hội như bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, thiếu thốn kinh tế, bệnh tật, ly hôn… 20 câu chuyện tại triển lãm “Giấc mơ gia đình” là những minh chứng cụ thể cho một thực tế trong xã hội hiện nay.

Triển lãm “Giấc mơ gia đình” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27/10.

“Thấy các bạn có ba, mẹ mà chúng con thì không. Hỏi ông bà nội ba, mẹ con đâu, ông bà không nói. Năm anh em con lên 7 tuổi nội mới cho biết ba mẹ mất từ khi chúng con 8 tháng tuổi. Lúc đó chúng con buồn lắm, đóng cửa ở trong nhà không muốn giao lưu, tiếp xúc với ai” – hai anh em sinh đôi Đào Quang Việt, Đào Quang Đức (sinh năm 2004, Nha Trang) bày tỏ. Chính vì vậy, 20 đứa trẻ trong triển lãm đều cho rằng: “Nếu trên đời này có một điều ước, con sẽ ước có thêm 10 điều ước khác vì con có rất nhiều thứ muốn trở thành hiện thực. Cuộc đời con, chưa bao giờ có gì cả!”.
Dang rộng vòng tay nhân ái
Mặc dù có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến quá trình phát triển của một đứa trẻ nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của môi trường gia đình. Bởi gia đình là cái nôi hình thành nhân cách và là trường học đầu tiên của trẻ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của bố, mẹ. Việc thiếu đi những người bố, người mẹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Tuyết Mai – Hội Tâm lý học Việt Nam, những đứa trẻ không có bố, mẹ thường không tự tin và bị phụ thuộc hay chính là sự bị động vào bối cảnh diễn ra hàng ngày, xung quanh trong cuộc sống.
“Những đứa trẻ không có bố, mẹ hoặc cả hai sẽ phụ thuộc vào cách giáo dục của người còn lại. Có thể bố hoặc mẹ là những người tự tin thì xác định sẽ đơn thân và đóng vai trò là cả bố và mẹ để trao cho đứa trẻ đó sự tự tin trong các mối quan hệ, sinh hoạt. Tuy nhiên, cũng có những người cha, mẹ không tự tin khiến con của họ cũng không tự tin trong cuộc sống” - bà Trần Thị Tuyết Mai lý giải.
Không đứa trẻ nào muốn sinh ra trong cuộc sống thiếu tình thương gia đình. Nhưng chúng không thể tự chủ lựa chọn hoàn cảnh sống cho mình. Triển lãm "Giấc mơ gia đình" như một lời tự sự cho nỗi lòng con trẻ, vừa để cảnh tỉnh tình trạng ly hôn đang ngày càng chiếm xu thế, cũng vừa để cộng đồng, xã hội dang rộng vòng tay thân ái, yêu thương với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Thiếu bố, thiếu mẹ.

"Triển lãm thực hiện theo phương pháp tiếp cận nhân học, các cán bộ của bảo tàng khi thực hiện đề tài này đã phải tốn nhiều công sức trong việc tiếp xúc, khơi gợi tình cảm, lòng tin ở các nhân vật, để các em có thể cởi mở câu chuyện của chính mình, những điều mà bình thường có lẽ các em ít khi chia sẻ cùng ai." - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân