Sự kiện này mở ra cơ hội để người hâm mộ Việt Nam được tận mắt chứng kiến Barca thi đấu tại sân Mỹ Đình. Với những người yêu bóng đá nước nhà, đây thực sự là cột mốc quan trọng. Thế nhưng, để nó trở thành bệ phóng cho nền bóng đá phát triển thì vẫn còn rất xa.
Từ kinh tế đến bóng đá
Sau phát pháo hiệu mang tên Man City, bầu Hiển đã đi thêm một bước ngoạn mục, đó là trở thành đối tác thương mại của Barca. Nói đúng hơn, Barca đã nhượng quyền thương mại cho SHB. Ngân hàng này được sử dụng hình ảnh của Barca để phát triển các gói sản phẩm. Đây là điều không mới so với các ngân hàng và chính SHB. Hai năm trước, SHB của bầu Hiển đã trở thành đối tác thương mại của Man City. Một loạt gói sản phẩm sử dụng hình ảnh của Man City đã được tung ra thị trường.
Bây giờ, đến lượt Barca được chọn làm đối tác của SHB. Chắc chắn, những sản phẩm mới sẽ được ra đời nhằm tận dụng danh tiếng của Barca để chiếm lĩnh thị trường. Nhưng, những người yêu bóng đá Việt Nam không chỉ quan tâm đến các gói sản phẩm của SHB mà còn đặt câu hỏi, bao giờ Barca có mặt tại Việt Nam như Man City cách đây một năm?
Bầu Hiển không giấu tham vọng đưa Barca sang Việt Nam. Ông còn dự tính, đến năm 2017, kế hoạch lớn sẽ được triển khai. Còn hiện tại, hai bên muốn thông qua hợp đồng thương mại sẽ gia tăng được hình ảnh và quyền lợi cho nhau.
Cần một chiến lược tổng thể
Arsenal từng đến Việt Nam vô cùng ồn ào rồi ra về. Man City cũng vậy. Họ từng khiến fan hâm mộ điên đảo nhưng sau chuyến du đấu triệu đô, bóng đá Việt Nam lại trở về với những ngày tháng tĩnh lặng và không có chiến lược hội nhập một cách rõ ràng. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là nếu Barca đến Việt Nam thì sau niềm vui cực đại, nền bóng đá sẽ có được cho mình động lực để phát triển? Ông bầu chắc chắn sẽ có thêm danh tiếng. Thương hiệu DN được đánh bóng. Nhưng, đó có phải là tất cả những gì mà chúng ta mong muốn?
Bóng đá Việt Nam đã quá quen với niềm vui và giấc mơ ngắn hạn. Chúng ta có thể tự hào vì những thương hiệu lớn đã chịu đến Việt Nam. Người hâm mộ thì cảm thấy phấn khích vì được chứng kiến những ngôi sao thượng thặng thi đấu tại đất nước mình. Nhưng, cái mà nền bóng đá cần không chỉ là giấc mơ ngắn hạn hay sự phấn khích tức thời. Chúng ta cần những chiến lược tổng thể và mong những sự kiện bóng đá lớn sẽ mang đến cú huých cho sự phát triển chung.
Arsenal từng đến và đi. Man City cũng hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng, sự hợp tác về đào tạo nhân sự như lời cam kết của các ông bầu và đội bóng mà họ mời gọi vẫn chưa thành hiện thực. Hàng tá phái đoàn chuyên gia đến Việt Nam khảo sát để tìm cơ hội hợp tác mở học viện bóng đá nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai, trừ học viện của bầu Đức. Mà, ai cũng biết, đào tạo trẻ mới chính là gốc rễ của nền bóng đá. Chỉ có điều, dấn thân vào sự nghiệp trồng người cần nhiều thời gian, mà các ông bầu lại muốn thương hiệu được lan tỏa ngay tức khắc. Thế mới gọi là cái khó bó cái khôn của nền bóng đá.