Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp loạt bài: “Gỡ nút thắt, giành lại vỉa hè cho người đi bộ”:

Giải bài toán đảm bảo sinh kế của người dân

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên nhân của tình trạng “đá ném ao bèo” trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là không đảm bảo được sinh kế của người dân. Do đó, nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề này, đây sẽ tiếp tục là câu chuyện dài không có hồi kết.

Nhận diện khó khăn, vướng mắc

Cuối tuần qua, tại cuộc giao ban quý I/2023 của Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, việc quản lý sử dụng hè phố phải gắn với sinh kế của người dân.

Như vậy, việc quản lý vỉa hè cần phải có biện pháp đảm bảo cuộc sống của những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bởi việc buôn bán trên vỉa hè là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình.

Lực lượng chức năng phường Định Công kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè phố Định Công làm nơi kinh doanh gây cản trở giao thông.
Lực lượng chức năng phường Định Công kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè phố Định Công làm nơi kinh doanh gây cản trở giao thông.

Trước tiên phải khẳng định, chỉ đạo của người đứng đầu TP Hà Nội trong hoàn cảnh nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã bước vào giai đoạn 3 – giai đoạn duy trì, xử lý nghiêm hành vi tái vi phạm đã phần nào phản ánh đúng thực trạng, những khó khăn vướng mắc mà chính quyền cấp cơ sở đã và đang phải đối mặt. Song, thực tế cho thấy, nếu không có những biện pháp tổng thể, sự vào cuộc quyết liệt từ TP đến cơ sở, đây mãi là bài toán không có lời giải.

Nói như vậy là bởi, trong quá khứ, với nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ, các lực lượng chức năng toàn TP đã triển khai nhiều đợt ra quân giải tỏa nhiều tụ điểm chợ “cóc”, hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh sai quy định. Đồng thời, bố trí những khu đất trống, đất dự án chưa triển khai để người dân họp chợ, tổ chức kinh doanh… Song, chỉ được một thời gian, phần lớn tiểu thương đã quay trở lại bám lòng đường, vỉa hè do ở trong chợ, khu vực được sắp xếp… ế ẩm, không có khách.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ, trên địa bàn hiện nay có không ít trường hợp người già đơn thân, không nhà cửa, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn phải mưu sinh bằng việc bán nước chè vỉa hè. Do đó, nếu lực lượng chức năng làm căng, làm mạnh, làm triệt để, cuộc sống của họ sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ thêm, khi các hộ kinh doanh, đặc biệt với những trường hợp bán nước chè phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 – họ còn được hỗ trợ của Nhà nước và các mạnh thường quân để đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, khi dịch bệnh đã trôi qua, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, nếu lực lượng chức năng làm nghiêm, làm quyết liệt thì với họ đây chẳng khác gì dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Các giải pháp phải căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa

Đại úy Đoàn Hiếu – Đội trưởng Đội CSGT- TT, Công an quận Tây Hồ cho biết, qua rà soát, nắm tình hình, Đội CSGT – TT nhận thấy tại khu vực nút giao Âu Cơ – Từ Hoa tồn tại một quán nước lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh do một cặp vợ chồng bị câm điếc, không biết chữ, hoàn cảnh rất khó khăn làm chủ.

Lực lượng chức năng phường Quảng An kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Lực lượng chức năng phường Quảng An kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh.

Thực hiện nghiêm Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 quận Tây Hồ, Ban Chỉ huy Công an quận, đơn vị đã phối hợp Công an phường Quang An giải tỏa những vi phạm. Đồng thời, Đội CSGT – TT đã làm việc với Ban Chỉ đạo 197 phường Quảng An xem xét bố trí một khu vực khác đảm bảo trật tự, ATGT để gia đình này có thể tiếp tục kinh doanh, đảm bảo cuộc sống cũng như ngăn chặn tình trạng tái vi phạm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho hay, việc giải quyết trật tự đô thị, trật tự ATGT, VSMT là một vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người dân cho nên phải có lộ trình thực hiện giải quyết phù hợp, đạt yêu cầu về quản lý trật tự đô thị.

Hơn nữa, phải tính đến đời sống mưu sinh, an sinh xã hội của người dân hàng ngày, phải tính đến việc giải quyết công ăn việc làm đối với những hộ gia đình đang kinh doanh ngoài vỉa hè để mưu sinh. “Việc quản lý vỉa hè, lòng đường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng tuyến phố” – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho hay.

Ông Trịnh Hoàng Tùng cho biết thêm, hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, xây dựng giải pháp tổ chức quản lý hiệu quả vỉa hè nhằm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT, VSMT trên địa bàn, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, đáp ứng yêu cầu quản lý và chỉ đạo của UBND TP cũng như giải quyết hài hòa nhu cầu mưu sinh của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận và của TP nói chung.

Có thể thấy, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội và những điều “tai nghe, mắt thấy” trong quá trình duy trì trật tự đô thị, chính quyền các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã và đang có những giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo sinh kế của người dân.

Tuy nhiên, để biện pháp này sớm có thể triển khai rộng khắp rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị có liên quan trong việc sửa đổi những bất cập của quy hoạch đúng như chỉ phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: "Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa".