Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán đầu tư cho giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS Đặng Hữu - nguyên Trưởng Ban khoa giáo T.Ư vẫn khẳng định, muốn đủ chi phí đầu tư cho giáo dục phải thực hiện xã hội hóa.

20% tổng ngân sách được chi cho giáo dục, riêng giáo dục đại học (ĐH) sẽ tiến tới mức chi cho một sinh viên (SV) trong một năm bằng 1,2 lần mức thu nhập bình quân/ người. Tuy vậy, khi trả lời báo Kinh tế & Đô thị, GS Đặng Hữu - nguyên Trưởng Ban khoa giáo T.Ư vẫn khẳng định, muốn đủ chi phí đầu tư cho giáo dục phải thực hiện xã hội hóa. GS Phạm Phụ - nguyên Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục, còn nhấn mạnh vào khâu thực hiện: "Phải xã hội hóa như thế nào mới là điều quan trọng".

 

Tỷ lệ 20% là cao nhưng con số tuyệt đối còn rất hạn chế

 

Thưa GS, 20% ngân sách liệu đã đủ cho yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

 

- Tại Việt Nam, ngân sách Nhà nước có hạn nhưng vẫn cố gắng dành tới 20% chi cho giáo dục là  tương đối lớn. Hơn nữa, trong bối cảnh Nhà nước đang bị bội chi ngân sách, thì số phần trăm này là thỏa đáng, không thể cao hơn. Tuy vậy, 20% được quy ra thành tiền thì không phải nhiều bởi tuy tỷ lệ lớn nhưng ngân sách của ta còn hạn chế. Thế nên 20% ngân sách chưa đảm bảo cho một nền giáo dục có chất lượng được. Đây cũng là lý do trong đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã nói ngân sách Nhà nước chỉ ưu tiên đầu tư cho những vùng kinh tế khó khăn, giáo dục phổ cập, các ĐH đào tạo những ngành nghề đặc biệt cần cho chiến lược phát triển của đất nước. Giáo dục ĐH và dạy nghề, thực hiện xã hội hóa. Tôi nghĩ rằng đây là định hướng đúng.

Vậy mà Đề án lại đặt mục tiêu tiến tới chi bình quân cho một SV ở ĐH đạt đến mức 1,2 GDP/người?

 

- Mức chi bình quân cho một SV trong một năm, thế giới gọi là "chi phí đơn vị". Mức chi này năm 2004 ở Mỹ đã là 22.000USD/năm, ở các nước phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 12.000USD/năm. Hiện, chi phí này ở Việt Nam chỉ khoảng 600USD/năm hay khoảng 0,5 GDP/người, còn quá thấp. Nói chung, nước phát triển càng thấp thì tỉ lệ này phải càng lớn. Do vậy, với Việt Nam, phấn đấu để có mức chi phí đơn vị là 1,2 GDP/người (khoảng 1.600USD) là một mục tiêu đặt ra khá hợp lý. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa về dịch vụ giáo dục ĐH cũng như chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.

Điều đó có nghĩa phải tăng mức chi phí đơn vị lên đến 2,5 lần, lại còn phải ưu tiên cho giáo dục phổ cập. Vậy, phải làm thế nào để có được mức chi đó cho giáo dục ĐH, thưa GS?

 

- Một câu hỏi rất hay. Đề án đổi mới đặt ra mục tiêu này, phải nói là một cuộc cách mạng trong tư duy về tài chính cho giáo dục ĐH, có sự so sánh tương đối trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng cũng giống như xây dựng một chương trình chiến lược, ngoài 2 câu hỏi: "Ta đang ở đâu? (so với các nước), và "làm gì để đi đến đâu?", còn phải trả lời câu hỏi hết sức quan trọng là "phải làm như thế nào?". Nếu không, Đề án dù có hay vẫn không thể khả thi.

 
Giờ học công nghệ thông tin của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giờ học công nghệ thông tin của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hẳn là GS đã có suy nghĩ về cách giải bài toán này?

 

- Có 3 nguồn thu để góp vào cho chi phí đơn vị: Từ ngân sách Nhà nước; Đóng góp của cộng đồng; Học phí hay đóng góp của người học. Trong điều kiện của nước ta, có lẽ phải thực hiện một loạt giải pháp liên hoàn liên quan đến 3 nguồn thu này. Một là phải tăng tỷ lệ SV ngoài công lập lên khoảng 40% như Nghị quyết của Chính phủ năm 2005 về đổi mới giáo dục ĐH, dồn ngân sách cho 60% số SV công lập còn lại, khi đó phần ngân sách Nhà nước sẽ góp vào chi phí đơn vị khoảng 25 - 30%, đóng góp của cộng đồng sẽ tăng lên đến khoảng 15% và phần học phí phải gánh khoảng 55 - 60%. Nghĩa là học phí phải tăng đến khoảng 3 - 3,5 lần so với hiện nay, tất nhiên là có lộ trình. Và mặt khác, hiệu quả trong phân phối ngân sách cũng như chi tiêu tài chính luôn là vấn đề phải đặt ra.

 

Đảm bảo công bằng xã hội  trong giáo dục đại học

 

Với mức học phí như vậy, không chỉ SV nghèo mà nhiều SV có hoàn cảnh kinh tế trung bình cũng phải bỏ học. Vậy làm thế nào để đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục ĐH?

 

- Thế giới đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Khi tăng học phí, cần phải phát triển các loại quỹ tín dụng cho SV vay vốn, chẳng những để trả học phí mà còn cả chi phí ăn ở. Đối tượng cho vay của các loại quỹ tín dụng này rộng rãi hơn, kể cả SV ở các ĐH ngoài công lập với lãi suất tương đối thấp. Ở Hongkông (Trung Quốc), đã có lúc học phí tăng lên 2,65 lần, nhưng nhờ có nhiều chương trình cho SV vay vốn thành công, nên không làm xấu hơn vấn đề mất công bằng xã hội trong giáo dục ĐH và đảm bảo được mục tiêu đặt ra là: "Không một học sinh nào đủ trình độ mà không được học ĐH vì lý do tài chính". Đây chính là hình thức SV vay vốn của Nhà nước với lãi suất thấp để đầu tư cho tương lai của mình.

 

Thưa GS, vay để đầu tư luôn có rủi ro cao, e rằng sẽ có nhiều gia đình nghèo không dám đi vay?

 

- Nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Anh, Thụy Sỹ, Australia, Thái Lan,… đã có loại quỹ cho SV vay vốn với mức trả nợ không cố định, mà tùy thuộc vào thu nhập của người vay. Ví dụ, một SV trong 4 năm học ĐH vay đến 150 triệu đồng, khi ra trường chưa có việc làm hoặc thu nhập chỉ đến mức tối thiểu (5 triệu đồng) thì chưa phải trả nợ. Khi có mức thu nhập hợp lý thì trích 20% của 5 triệu đồng (nghĩa là 1 triệu đồng/tháng) để trả nợ, cứ trả theo cách như vậy cho đến 10 - 20 năm sau. Sau thời gian đó mà chưa trả xong hoặc bị tai nạn lao động chẳng hạn thì được xóa nợ. Như vậy Nhà nước đã gánh toàn bộ rủi ro cho họ.

Thành lập ngay Ủy ban Quốc gia cải cách giáo dục

 

Đề án đổi mới chỉ chủ yếu đề ra các định hướng lớn mà chưa có nhiều giải pháp cụ thể. Vậy làm sao để có thể triển khai, thưa GS?

 

- Tổ chức thực hiện luôn là vấn đề hết sức quan trọng. Hơn nữa, như cố GS Nguyện Thiện Tống từng nói: Giải quyết vấn đề giáo dục không thể theo cách của "Phổ thông đầu phiếu". Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với GS Hoàng Tụy: "Cần thành lập Ủy ban Quốc gia chỉ đạo cải cách giáo dục. Ủy ban này sẽ vạch ra lộ trình và kế hoạch cụ thể để thực hiện cải cách sau khoảng một thập kỷ".

Xin cảm ơn GS!