Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán du lịch và bảo tồn di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác các di sản văn hóa để phục vụ cuộc sống con người là cách để giá trị của các di sản được tỏa sáng. Một trong những cách đó là làm du lịch di sản.

Càng có nhiều di sản văn hóa được vinh danh ở tầm quốc gia, quốc tế, càng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên với yêu cầu bảo tồn các giá trị của di sản.

Nỗ lực quảng bá di sản

Với gần 20 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại cùng khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong cả nước, Việt Nam có nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch. Du lịch và di sản có mối quan hệ tương tác, gắn bó hữu cơ với nhau. Nếu di sản là nguồn vốn góp phần làm phong phú, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và giá trị của sản phẩm du lịch thì du lịch cũng góp phần quan trọng để quảng bá di sản, giúp duy trì giá trị của di sản, làm cho di sản “sống" trong lòng người.
Du khách tham quan cố đô Huế.
Du khách tham quan cố đô Huế.
 Để những cái tên như vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng, hay Tràng An - Bái Đính, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay Hồ Gươm… được du khách ưu tiên chọn lựa cho chuyến du lịch của mình là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của những người làm văn hóa - du lịch. Với gần 80% lượng khách quốc tế có nhu cầu tham quan, trải nghiệm văn hóa thì những di sản thế giới đã góp phần xứng đáng làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Những danh hiệu như “Điểm đến thân thiện nhất”, “bãi biển đẹp nhất hành tinh”, “Hà Nội là thành phố du lịch rẻ nhất”… được các tạp chí nổi tiếng thế giới bình chọn cho du lịch Việt Nam đã phần nào phản ánh được sự thành công của chúng ta trong quá trình khai thác các giá trị của di sản để làm du lịch. Điều đó còn thể hiện qua việc tăng trưởng liên tục lượng khách quốc tế đến nước ta những năm gần đây, với gần 8 triệu du khách quốc tế và 38,5 triệu du khách nội địa trong năm ngoái. Du lịch cũng đã đóng góp gần 10% vào GDP của quốc gia.

Khai thác phải gắn với bảo tồn

Tuy nhiên, bài học phát triển du lịch di sản cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn. Dù khẳng định phát triển du lịch văn hóa là hướng đi đúng đắn nhưng thực tế, hoạt động này cũng đã tác động không nhỏ đến di sản, thậm chí còn khiến di sản xuống cấp, biến dạng. Vịnh Hạ Long từng bị UNESCO cảnh báo rút danh hiệu vì sự tác động quá mức của con người, khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái biển và quá trình bảo tồn di sản lâu dài. Câu chuyện có làm hay không làm cáp treo vào động Sơn Đoòng - hang động được đánh giá là kỳ vĩ nhất thế giới thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng cho thấy đang có sự xung đột giữa khai thác và bảo tồn di sản. Ranh giới giữa làm du lịch đại trà và tàn phá di sản nhiều khi rất mong manh, đòi hỏi cơ quan quản lý hết sức tỉnh táo để không rơi vào bẫy đầu tư.

Cũng thật lạ, khi du khách đi tham quan một số di tích lịch sử văn hóa ở phía Bắc lại nghe Nhã nhạc cung đình Huế; trong khi đến một số di tích lịch sử văn hóa ở phía Nam lại nghe hát ca trù, hay quan họ. Tổ chức liên hoan cồng chiêng nhưng lại thoát khỏi không gian của một số tục lệ, tập quán truyền thống của các tộc người Tây Nguyên. Rồi thổ cẩm của đồng bào thiểu số vùng cao được bán la liệt ở các khu du lịch ven biển. Ngược lại, đi du lịch miền núi cũng có thể mua được sản phẩm từ vỏ ốc biển và san hô! Kiểu làm du lịch ít quan tâm giữ gìn bản sắc đang làm mai một các giá trị văn hóa.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hằng năm là ngày để tôn vinh các giá trị văn hóa, ngày để cả xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bảo vệ di sản không chỉ là việc của những người làm văn hóa, mà phải là việc của của toàn cộng đồng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, được cấu thành bởi nhiều thành phần, mà trước hết là sự hợp tác trực tiếp của chính quyền và Nhân dân địa phương, của cơ quan, tổ chức, DN làm du lịch và quản lý di sản văn hóa. Và hơn tất cả, dù hiệu quả kinh tế cao đến đâu, vẫn cần thiết phải làm cho mỗi điểm du lịch di sản thật sự là tụ điểm văn hóa có thương hiệu, bản sắc riêng.