Song, thực tế giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội mới đây cho thấy, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) ở một số cấp học vẫn thấp. Trong đó một “nghịch lý” đang diễn ra là nội thành có tiền xây cơ sở vật chất (CSVC) cho trường học nhưng thiếu đất, trong khi ngoại thành nhiều đất lại thiếu vốn đầu tư…
Nơi có tiền thiếu đất, nơi nhiều đất lại thiếu tiền
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến tháng 5/2020, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP đã đạt 58,8%, trong đó khối công lập đạt 71,6% (1.579/2.206 trường). So với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết 05 ngày 5/4/2012 của HĐND TP, tỷ lệ trường công lập CQG đến năm 2020 đã đạt và vượt; riêng từng cấp học đều đạt và vượt (65 - 70%) (trừ cấp mầm non (MN) chưa đạt chỉ tiêu, mới đạt 61,5%). Từ năm 2012 đến nay, tại TP xây mới 641 trường MN và trường phổ thông công lập, cải tạo 3.579 trường.
|
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát tại trường Tiểu học Phù Lưu Tế (xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức). |
Tuy nhiên, giám sát cho thấy, công tác xây dựng trường đạt CQG gặp khó khăn nổi bật là các trường ở nội thành có sĩ số học sinh (HS)/lớp vượt quá điều lệ trường học, thiếu diện tích đất, sân chơi; trường ngoại thành thì thiếu CSVC, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học… Điển hình quận Ba Đình mới có 27/50 trường công lập đạt CQG, đạt 54%, đứng thứ 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, cấp MN còn 14/21 trường, cấp TH còn 7/17 trường chưa đạt CQG, chủ yếu do diện tích sàn/HS không bảo đảm, sĩ số HS/lớp cao hơn quy định, số lớp đông, chưa đủ phòng chức năng...
Cấp THCS cũng còn 2/12 trường chưa đạt CQG, trong đó THCS Giảng Võ có tới 73 lớp, sĩ số HS/lớp rất cao. “Số HS quá tải ở cả 3 cấp học, trong đó hầu hết trường MN (kể cả mới xây) không có khả năng mở rộng, nên tiêu chí diện tích đất/HS không thể bảo đảm. Tỷ lệ trường CQG mà TP đề ra với cấp MN đến năm 2020 là 65 - 70%, trong khi hiện cấp MN của quận mới đạt 33%, là cấp gặp khó khăn nhất để hoàn thành chỉ tiêu CQG” - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho hay.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, toàn huyện cũng mới có 46/79 trường công lập CQG, đạt 58,2%, trong đó 14 trường đã quá thời hạn được công nhân lại. Do là huyện thuần nông, thu ngân sách thấp, huy động nguồn xã hội hóa (XHH) hạn chế, nên một số trường vẫn thiếu phòng học, phòng bộ môn, chức năng, đặc biệt khối MN có nhiều phòng học xuống cấp, tạm mượn, thiếu đồ dùng học tập.
Giám sát cũng cho thấy trong đầu tư cải tạo, xây mới trường học, không ít địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến dân số cơ học tăng quá nhanh, gây sĩ số HS/lớp và số lớp/trường vượt quá quy định tại một số quận; một số khu đất để xây trường trong khu đô thị mới khó GPMB; xây trường thu hồi vốn chậm nên chủ đầu tư chưa quan tâm... Trên những địa bàn đô thị hóa nhanh thì ít trường mới, gây quá tải tại những trường hiện có; một số phường hạn chế quỹ đất nên không đảm bảo có ít nhất 1 trường công tại mỗi cấp MN, TH, THCS.
Như tại Hoàng Mai, sĩ số HS tại một số trường công lập vượt quá nhiều so với quy định, trong đó trung bình tại cấp MN là 40 HS/lớp, TH 51 HS/lớp, dẫn đến không đảm bảo số m2/HS. Nhân sự giáo viên các trường cũng thiếu so với tiêu chuẩn, công tác xây dựng bổ sung trường mới không kịp với tốc độ tăng dân số và nhu cầu học tập của Nhân dân trên địa bàn, một số trường có diện tích không đủ đáp ứng điều kiện công nhận trường chuẩn QG do không thể mở rộng…
Từ năm 2012 đến nay tại quận đã triển khai 59 dự án cải tạo và 21 dự án xây mới trường học, song cũng gặp vướng mắc do trên địa bàn có nhiều ô quy hoạch nhưng tại những phường có mật độ dân số cao, phát triển nhanh (Đại Kim, Định Công, Tân Mai…) thì có ít hoặc không còn đất quy hoạch xây trường...
Quan tâm bố trí đất xây trường đáp ứng “chuẩn”
Để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trường CQG, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng kiến nghị HĐND TP chỉ đạo UBND TP thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây trường đáp ứng đủ quy định trường CQG, bảo đảm diện tích trường, diện tích trung bình/HS, sĩ số HS/lớp, điều kiện CSVC theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, cần bảo đảm nguồn vốn cho xây mới, cải tạo, mua sắm thiết bị các trường thực công nhận lại; quan tâm những cấp có tỷ lệ trường CQG thấp (MN, THPT) và huyện có tỷ lệ trường CQG thấp, nhiều trường cần công nhận lại. Sở cũng đề nghị TP dành quỹ đất xây trường khi di chuyển cơ sở sản xuất, trường CĐ - ĐH, bộ, ngành trong nội thành ra ngoại thành và giao quận, huyện làm chủ đầu tư những quỹ đất dành cho xây trường học của khu đô thị mới; khuyến khích xây trường chất lượng cao, quy mô lớn ở ven đô, đô thị vệ tinh theo hình thức XHH nhằm giảm tải cho nội đô; đồng thời cho phép trường tư thục/dự án trường tư thục bổ sung cấp học để lập trường có nhiều cấp học.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương - thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho rằng, Sở GD&ĐT cần yêu cầu các nhà đầu tư dự án khu đô thị bảo đảm có hạng mục xây dựng trường học trong dự án, trong đó ngay từ đầu phải đáp ứng “chuẩn”. Còn theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, để đảm bảo diện tích trường, với những quận không còn quỹ đất như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, giải pháp khả thi nhất là kiến nghị nâng tầng, lắp thang máy; với nơi có thể tìm thêm đất như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ thì cần tích cực tìm đất để mở rộng, nhất là nơi nhà máy di dời thì dành để xây trường.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trước hết phải khẳng định một số địa phương chưa chủ động, quan tâm thấu đáo công tác xây dựng trường CQG, còn để vượt quá nhiều thời hạn cần công nhận lại (có khi quá 5 - 7 năm). Việc đầu tư CSVC để đạt trường CQG tại một số nơi chưa đồng bộ, trong đó có những tiêu chí dù nhỏ chưa được quan tâm. Sở GD&ĐT thì chưa kịp thời bố trí lực lượng kiểm tra, đánh giá ngoài tại các địa phương.
Cùng đó, việc đầu tư xây dựng mạng lưới trường học theo Nghị quyết HĐND TP cũng chưa đảm bảo mỗi phường/xã tối thiểu 1 trường công lập ở mỗi cấp, do việc rà soát xây dựng QH đầu tư phát triển, dân số tăng nhanh tại một số quận, hạn chế trong tổ chức phân luồng kiểm soát học trái tuyến…
“Các sở, ngành cần rà soát cập nhật QH mạng lưới trường học vào QH của TP, có giải pháp đẩy nhanh công nhận, công nhận lại trường CQG để bảo đảm tỷ lệ thực chất trường CQG, tránh nợ tiêu chí. Riêng Sở GD&ĐT cần tăng kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương phân luồng trường học, hạn chế học trái tuyến, và rà soát toàn bộ trường công lập, xác định rõ những trường chưa bảo đảm chuẩn về diện tích và có danh sách cụ thể trường cần tăng mật độ chiều cao để kiến nghị TP, T.Ư có cơ chế giải quyết chung chứ không theo từng dự án cụ thể như hiện nay" - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
"Trước “vòng luẩn quẩn” nội thành có tiền mà không có đất, ngoại thành có đất mà thiếu tiền, Sở GD&ĐT nên tham mưu TP trong năm 2020 nâng tỷ lệ CQG ở cấp MN lên khoảng 70% bằng cách phân luồng HS, điều tiết để tránh trường quá tải HS, rà soát thêm vào danh sách những quận, huyện đang hoàn tất thủ tục khởi công xây trường. Sở cũng cần phối hợp các sở, ngành tham mưu TP đẩy nhanh xây trường công lập, phấn đấu tháng 10/2020 đạt chỉ tiêu trường CQG của nhiệm kỳ này." - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Văn Thắng
"Cơ quan có thẩm quyền khi quy hoạch các khu đô thị cần dành quỹ đất thỏa đáng để xây trường công lập, Bộ GD&ĐT quy định số HS/lớp ở nội thành phù hợp thực tế. TP cũng cần xem xét duyệt cơ chế đặc thù cho phép nâng tầng cao xây trường với những địa bàn dân cư không còn hoặc thiếu quỹ đất xây trường." - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận |