Thị trường bất ổn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung
Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước tăng từ 36 - 38%, đã đẩy giá thành chăn nuôi tăng cao. Sau nhiều tuần lên xuống thất thường, hiện giá lợn hơi trên cả nước dao động quanh mốc 65.000 - 70.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi đã có lãi. Giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng do hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, nhà hàng, nhà máy hoạt động trở lại. Đặc biệt, sắp tới đây, khi học sinh bước vào năm học mới và nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp cuối năm, dự báo giá lợn tiếp tục tăng giá, khan hàng.
Chị Nguyễn Minh Hòa - tiểu thương bán thịt lợn tại Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết: “Nguyên nhân giá lợn tăng là do thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân ít nuôi, hạn chế tái đàn. Hiện nay nguồn lợn nuôi trong dân rất khan hiếm. Lợn mà chúng tôi bắt về bán chủ yếu từ các trang trại, DN chăn nuôi lớn nên giá thành rất cao”.
Ở góc độ người chăn nuôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai Nguyễn Tuấn Văn cho biết, trước năm 2019, cả xã Sài Sơn có hàng trăm hộ chăn nuôi lợn với quy mô vài chục con/hộ. Tuy nhiên, từ khi dịch tả châu Phi bùng phát, giá lợn lên xuống thất thường và đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân trên địa bàn xã không mặn mà tái đàn. Toàn xã chỉ còn vài chục hộ còn bám trụ với nghề chăn nuôi lợn.
“Hiện giá lợn hơi đang cao, người chăn nuôi có lãi, nhưng cũng không có để bán và không dám đầu tư để tái đàn. Bởi người nỗi lo giá cả bấp bênh, dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào” - ông Nguyễn Tuấn Văn nói thêm.
Ngoài áp lực nguồn cung trong nước giảm, hiện nay chênh lệch giữa giá lợn trong nước và một số nước trong khu vực lên đến 40.000 đồng/kg, vì vậy sẽ có hiện tượng đầu cơ, đưa lợn qua biên giới, ảnh hưởng nguồn cung trong nước. Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng năm 2022, quốc gia này nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, trị giá hơn 17 tỷ USD. Hiện giá thịt lợn đã tăng 20% trong tháng 7 so với một năm trước đó.
Chia sẻ về nguồn cung thịt lợn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao đột biến. Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, khi giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ngành NN&PTNT vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm. Trong 7 tháng đầu năm 2022, chăn nuôi đàn lợn đã tăng 4,8%, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kể cả dịp Tết Nguyên đán.
Xung quanh vấn đề giá thịt lợn liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua, đặc biệt là có sự chênh lệch giá lợn hơi với các nước lân cận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo và cử đoàn đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát. “Hiện nay, biên giới cũng đã được siết chặt, lợn không xuất khẩu lậu như trước nhưng vẫn có hiện tượng thịt lợn sau khi mổ sẽ được chặt mảnh chở sang Trung Quốc” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Ổn định thị trường bằng cách nào?
Để tránh gây bất ổn thị trường trong nước nói chung, cũng như phòng ngừa tình trạng buôn lậu qua biên giới, nhiều địa phương đang siết chặt các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn Hứa Thị Hồng cho hay, Chi cục đã tăng cường nhiều biện pháp, kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra hiện tượng các đối tượng lợi dụng hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch qua biên giới để buôn lậu và vận chuyển trái phép mặt hàng lợn, sản phẩm từ lợn. Việt Nam và Trung Quốc chưa ký thỏa thuận kiểm dịch xuất nhập khẩu về lợn và sản phẩm từ lợn, nên mặt hàng này chưa được xuất nhập khẩu chính ngạch. Hiện công tác kiểm dịch vẫn đang được lực lượng chức năng tăng cường.
"Mỗi năm, Việt Nam giết mổ khoảng 51 triệu đầu lợn. Năm nay dự kiến cũng đạt sản lượng đó. Tốc độ tăng đàn cả năm phấn đấu đạt 4,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ những tổ chức tín dụng, giúp họ nuôi đàn, tăng đàn thuận lợi từ nay đến cuối năm".
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sài Sơn Nguyễn Tuấn Văn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, để đảm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT không tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước. Bộ đã khảo sát thực tế tại các địa phương, làm việc trực tiếp với DN và bà con nông dân để nắm tình hình và có giải pháp cụ thể. Từ nay đến cuối năm cố gắng duy trì mức tăng trưởng sản lượng thịt lợn khoảng 6% mới có thể đảm bảo cung cầu thị trường.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu quan điểm, thực tế, người chăn nuôi đã chịu lỗ một thời gian rất dài, cùng với đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên việc thịt lợn có tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Tăng giá sẽ giúp bà con chăn nuôi lợn phần nào bớt đi những khó khăn, chứ không hẳn liên quan đến việc tăng giảm của giá xăng.
Để ổn định thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát, xử lý nạn vận chuyển lợn qua biên giới trái phép sẽ là một trong những động thái giúp hạ nhiệt giá lợn hơi. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan làm rõ những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán lẻ sao cho cả người tiêu dùng và chăn nuôi đều được hưởng lợi.
Ở góc độ địa phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ, để đảm bảo nguồn cung, Sở tiếp tục khuyến khích chăn nuôi lợn theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và sẽ tập trung hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nằm trong vùng quy hoạch của địa phương… Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu TP có chính sách hỗ trợ về giống, vaccine… để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.