Chuyển dịch chậm Nhìn lại quá trình 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ, kết quả mà huyện thuần nông này đạt được là rất đáng khích lệ. Với xuất phát điểm thấp, song đến nay Phúc Thọ đã có 17/22 xã đạt chuẩn NTM (77,27%). Bộ mặt nông thôn đã thực sự đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế của huyện chưa có nhiều đột phá khi mà số lượng DN đóng trên địa bàn còn rất ít lại chủ yếu là DN nhỏ.
Những năm qua, Phúc Thọ cũng là một trong những địa phương khá mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên số lượng các mô hình chưa nhiều và quy mô chưa lớn. Vì vậy, sau khi kết thúc hỗ trợ, mô hình không phát triển thêm được về quy mô. Theo ông Khuất Văn Thảo – Bí thư Đảng ủy xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ - việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chưa bền vững. Một số mô hình sản xuất thí điểm chưa thực sự lan tỏa trong Nhân dân. Sự liên kết giữa người sản xuất, nhà phân phối đến tay người tiêu dùng chưa tốt nên hiệu quả chưa cao. Đánh giá cả quá trình 5 năm qua, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Phúc Thọ cũng nhận định, chuyển dịch cơ cấu và tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Trong đó, chuyển dịch trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, còn các loại hình thương mại, dịch vụ chưa phát triển. Năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá nhưng chất lượng sản phẩm còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Bởi vậy, đời sống và thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp, chưa ổn định. Tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp Huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu phấn đấu năm 2016 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2017 toàn bộ 22/22 xã trên địa bàn đều đạt chuẩn, hoàn thành huyện NTM. Trên con đường cán đích huyện NTM, Phúc Thọ dành nhiều sự quan tâm cho phát triển kinh tế, nhất là gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ để giảm dần khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cũng được xác định là một trong hai khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX. Theo đó, giai đoạn đầu huyện sẽ tập trung sản xuất đa dạng hóa sản phẩm hoa, rau, quả tươi sạch, an toàn cung ứng cho thị trường Thủ đô. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết “bốn nhà”, phát triển sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Đối với trồng trọt, huyện ưu tiên phát triển các mô hình lúa hàng hóa, trồng rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới quy mô lớn. Đối với chăn nuôi, tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu các thực phẩm sạch, hướng mạnh vào đối tượng lợn, gia cầm, bò BBB, bò sữa. Cùng với nông nghiệp, huyện Phúc Thọ cũng khuyến khích phát triển, nhân rộng các nghề có tiềm năng như may gia công, mộc dân dụng chế biến nông sản. Trong đó, huyện chọn xã Tam Hiệp để xây dựng điển hình về phát triển làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làm cơ sở nhân rộng. Đặc biệt, theo ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, hướng dẫn thủ tục để DN thuê quyền sử dụng đất của Nhân dân và người dân sẽ dùng quyền sử dụng đất để góp cổ phần. Một tín hiệu đáng mừng là tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Ba Huân đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao có quy mô 2ha tại thị trấn Phúc Thọ với tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng. Hy vọng, đây sẽ là tiền đề quan trọng mở ra bước phát triển mới cho kinh tế huyện Phúc Thọ thời gian tới.
Trồng hoa ly trong nhà lưới tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Khuất Thảo |