Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán tăng học phí để nâng chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức học phí tăng, sinh viên (SV) nghèo, SV có hoàn cảnh đặc biệt sẽ gặp khó; tăng học phí chưa chắc chất lượng đào tạo được nâng cao... Đó là một bài toán khó, mà theo các chuyên gia giáo dục, để giải cần nhiều giải pháp.

Nhà trường - địa phương - DN hỗ trợ

Tăng học phí là một trong những giải pháp cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học (ĐH). Thế nhưng, việc này đang là gánh nặng đối với SV các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn. Có trường dự kiến, SV sẽ phải  đóng học phí tăng lên gấp hơn 3 lần so với trước đây. Với những trường đang tự chủ một phần, việc tăng học phí hàng năm theo lộ trình cũng khiến nhiều SV thêm gánh nặng học hành.
Sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành tin học. Ảnh: Công Hùng
Sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành tin học. Ảnh: Công Hùng
Tăng học phí không có nghĩa là tất cả SV đều phải đóng một mức như nhau. Từ quan điểm này, GS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, SV ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc… Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ. Tuy  nhiên, dưới góc độ từng trường cũng cần có hỗ trợ, chia sẻ với các em bằng cách tặng học bổng... Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Văn Cương - Hiệu trưởng ĐH Hải Phòng cho biết: "Nhà trường tạo điều kiện cho các em được đi làm thêm. Cụ thể, trường thành lập trung tâm giới thiệu việc làm cho SV, ngoài ra còn tổ chức các câu lạc bộ gia sư giúp các em có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu và năng lực để góp phần trang trải một phần học phí".

Để giảm bớt gánh nặng cho SV trong việc tăng học phí, TS Trần Ngọc Liêu - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đưa ra giải pháp, các trường ĐH cũng nên có chính sách hỗ trợ thêm cho Nhà nước. Ví dụ như, thành lập các quỹ học bổng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức trong nước cũng như của các cá nhân. Tiếp đến là cần có sự hỗ trợ từ các địa phương, có thể tham khảo mô hình tại tỉnh Cần Thơ có những khu ký túc xá của các tỉnh xây dựng cho SV lưu trú. Cho nên các địa phương có thể đầu tư để xây nhà cho SV ở, thậm chí tổ chức xe ô tô chở SV về quê ăn Tết và quay trở lại trường học tập. Hiện nay, một số DN đã quan tâm đến việc tạo việc làm cho SV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, giải pháp cực kỳ quan trọng là mỗi SV phải tự có bản lĩnh, định hướng để tự giúp mình chứ không ỷ lại. Đi làm thêm ngoài giờ học là cách để bù đắp phần nào kinh phí cho gia đình, qua đó giúp rèn luyện kỹ năng sống và ứng xử - điều kiện rất cần khi đi làm, công tác.

Không thực hiện tăng ngay

Quy định tăng học phí có hiệu lực từ 1/12/2015, nhưng lãnh đạo nhà trường dự tính, để tránh cho SV cũng như gia đình các em không bị "sốc", việc thu học phí tăng sẽ được thực hiện sau ngày này. Cụ thể, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn không tăng học phí trong năm học 2015 - 2016. "Nhà trường sẽ tăng học phí 10% so với các mức đang thu và sẽ thực hiện từ học kỳ 2 của năm học 2015 - 2016" - PGS.TS Phạm Văn Cương cho hay. Cũng để chia sẻ với SV trong việc tăng học phí, TS Cao Văn - Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay: "Thay vì thực hiện thu học phí mới theo lộ trình, chúng tôi tăng muộn. Lý do bởi dân cư địa bàn trường đóng có mức sống không cao, rất nhiều SV. Nhà trường sẽ tăng khoảng từ 10 - 15% thì số tiền phải đóng thêm không phải là nhiều".

Tăng học phí có đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đào tạo? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Nhiều chuyên gia giáo dục không thể khẳng định được chất lượng đào tạo có tăng, khi mà hiện nay, đầu tư ngân sách của Nhà nước không đủ trang trải cho các hoạt động chi thường xuyên, việc tăng học phí là để bù đắp vào phần thiếu hụt. PGS.TS Phạm Văn Cương khẳng định, với mức tăng 10% cũng tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo có phần kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo. Tất cả các trường ĐH trên thế giới đều cân bằng thu chi, học phí vẫn là ngân sách chủ yếu để duy trì hoạt động của nhà trường, trừ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhưng theo TS Trần Ngọc Liêu, giải pháp để nâng cao chất lượng phải là hệ thống kiểm soát từ phía các trường ĐH. Ví dụ, kiểm soát chất lượng bài giảng của giảng viên. Thế nhưng, muốn nâng cao chất lượng của người học thì phải có sự đổi mới rất quyết liệt về phương pháp giảng dạy. Không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin mà gần như tạo cho SV những tình huống, trải nghiệm gắn với cuộc sống thực tế, chứ không phải là chỉ là kinh nghiệm.

Quan điểm của Chính phủ là dần xóa bỏ bao cấp để các trường tự hạch toán. Khi đó, chất lượng đào tạo là yếu tố xác định quyết định học phí đối với SV các trường ĐH, cũng như chất lượng và học phí có thể tương thích với nhau.