Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán thiếu biên chế giáo viên ở Hà Nội

Hồng Thái - Thuỷ Tiên - Thịnh An - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, tình trạng thiếu biên chế giáo viên ở các trường công lập tại Hà Nội cũng là vấn đề được các đại biểu HĐND TP Hà Nội quan tâm, đề nghị sớm có giải pháp khắc phục.

Chiều 17/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Quanh cảnh phiên giải trình
Quanh cảnh phiên giải trình

Phiên giải trình nhằm mục đích giám sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội; phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Năm học 2023-2024, Hà Nội thiếu hơn 10.000 giáo viên

Đặt vấn đề tại phiên giải trình, đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ huyện Hoài Đức) -Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nêu, cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đề nghị Sở Nội vụ làm rõ chất lượng dạy và học, đặc biệt làm rõ nội dung thiếu giáo viên, việc quản lý, tuyển dụng biên chế giáo dục như thế nào, có những bất cập gì?

Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ huyện Hoài Đức) đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nội dung thiếu giáo viên, việc quản lý, tuyển dụng biên chế giáo dục...
Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ huyện Hoài Đức) đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nội dung thiếu giáo viên, việc quản lý, tuyển dụng biên chế giáo dục...

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng thiếu giáo viên, giải pháp trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho hay, tình trạng biên chế, thiếu giáo viên là vấn đề xảy ra nhiều năm, là vấn đề bức xúc của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ đã tham mưu nhiều giải pháp. 

Hiện nay biên chế giáo dục được giao thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT quy định dù các đơn vị đã tích cực tuyển dụng viên chức. Chỉ tiêu chưa đạt do chưa đạt chỉ tiêu được giao, các đơn vị được giữ lại tỉ lệ tinh giản biên chế 2% theo lộ trình, đó là lý do còn biên chế mà chưa được tuyển. Năm 2022-2023, định mức có 600 biên chế, Sở đã báo cáo Trung ương giao bổ sung chỉ tiêu.

Sau khi được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu, Sở Nội vụ đã trình HĐND TP Hà Nội phân bổ ngay cho các đơn vị giao theo đúng tỉ lệ 30%, tương ứng cho các quận, huyện và các đơn vị đã sử dụng có hiệu quả. Năm học 2023-2024, theo thống kê thiếu 10.915 giáo viên, Sở đã tham mưu TP báo cáo Trung ương giao 8.900 chỉ tiêu, và đang được xem xét. Sở sẽ tiếp tục bám sát các cơ quan, bộ, ngành để tham mưu, tổng hợp, để đảm bảo chỉ tiêu tối đa.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho hay, tình trạng biên chế, thiếu giáo viên là vấn đề xảy ra nhiều năm
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho hay, tình trạng biên chế, thiếu giáo viên là vấn đề xảy ra nhiều năm

“Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tham mưu TP ban hành về quy định phân cấp cho các sở ngành, quận, huyện được chủ động tuyển dụng viên chức; cân đối biên chế viên chức trong toàn TP, trong đó ưu tiên cho giáo dục. Tuy nhiên, từ năm 2022-2023 không thể cân đối được nữa nên Sở đã tham mưu cắt giảm cơ học 2% biên chế giáo dục, giai đoạn này thực sự khó khăn cho ngành giáo dục” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu thông tin.

Đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các trường học

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu, trước khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, Sở đã tham mưu cho HĐND TP ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị tự chủ dưới 10% thì được ký 70% hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế thiếu do định mức tăng. Các đơn vị tự chủ trên 70%, chủ động ký hợp đồng lao động tuỳ nguồn thu. Cơ chế này đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các đơn vị.

Nghị quyết 18 cũng giao 3.112 chỉ tiêu cho các đơn vị cơ sở. Các đơn vị cũng tiến hành ký hợp đồng lao động với giáo viên trong năm học mới. Đồng thời, ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng với một số bộ môn còn thiếu, các đơn vị đang triển khai rất hiệu quả.

Cùng với đó, Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo. Năm 2023 vừa qua Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của TP Hà Nội; và tiến tới thí điểm với các cơ sở giáo dục.

Đến nay, có 296 đơn vị đăng ký thí điểm năm học 2023-2024, trong đó có 118 trường thuộc Sở GD&ĐT, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Theo cơ chế này, khi rà soát biên chế năm 2023, các đơn vị sẽ nâng mức tự chủ; năm 2024 các đơn vị sẽ tự chủ chi thường xuyên, khi đó gần 15 nghìn người sẽ chuyển hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang tự chủ. Với 15 nghìn biên chế này sẽ cân đối chỉ tiêu thiếu của các cơ sở và đảm bảo được chỉ tiêu của năm. Sau thí điểm, nếu được triển khai chính thức, đơn giá được triển khai diện rộng thì giải pháp này sẽ được thực hiện căn cơ và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.

“Giải pháp tiếp theo là cho các quận, huyện, thị xã tiếp tục được tuyển dụng giáo viên. Với một số môn học không tuyển được hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn thì tham mưu UBND TP Hà Nội đặt hàng cử nhân sư phạm theo Nghị định 16/2020 của Chính phủ. Trên cơ sở rà soát, đề xuất của các quận, huyện, thời gian tới sẽ tuyển dụng 697 chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm cho Thủ đô, khi ra trường sinh viên này có nhu cầu sẽ tăng cường về các cơ sở giáo dục đã đăng ký” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu thông tin.