Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu các hãng hàng không: Cần công bằng, hiệu quả

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN hàng không đang rơi vào tình trạng kiệt quệ chưa từng thấy sau hơn một năm chống chọi với dịch Covid-19. Hơn hết nào hết, họ cần được giải cứu để tránh nguy cơ rơi vào bờ vực phá sản. Tuy nhiên, điều quan trọng là giải cứu các DN hàng không như thế nào để đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Các hãng hàng không đang trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dũng
“Anh cả” ngành hàng không đứng trước bờ vực phá sản
Mới đây, trong bản Dự thảo báo cáo Thủ tướng đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về tình hình phát triển DN năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đưa ra những thông tin sốc về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN hàng không cũng như hàng loạt khó khăn đang phải đối mặt. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cảnh báo về khả năng thanh toán của các DN hàng không suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Dẫn giải tình hình cụ thể của Vietnam Airlines, Bộ KH&ĐT cho biết, 3 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines lỗ 4.800 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 6 lỗ 10.000 tỷ đồng. Không những thế, hãng bay này đang nợ quá hạn 6.240 tỷ đồng và cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các tổ chức tín dụng chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ cho Vietnam Airlines nên dừng giải ngân các gói vay, cũng không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Những hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines, Vietjet Air dù đã tối ưu hoạt động, chuyển nhượng tài sản và dự án đầu tư để duy trì sản xuất kinh doanh nhưng dự báo hoạt động tiếp tục khó khăn tới hết năm. Với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Thậm chí, trong trường hợp tình hình Covid-19 sớm được kiềm chế thì theo Bộ KH&ĐT, sớm nhất cũng phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.

Đừng để “nước xa không cứu được lửa gần”

Trên thực tế, từ tháng 11/2020, Vietnam Airlines đã được Quốc hội thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 12.000 tỷ đồng. Trong đó có 4.000 tỷ đồng vay ưu đãi và 8.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo tin từ Vietnam Airlines, tới nay đã 8 tháng, hãng vẫn chưa được giải ngân đồng vốn hỗ trợ khẩn cấp nào. Trước khó khăn của các DN hàng không, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ nhưng các bước thủ tục vẫn là rào cản lớn.
Được biết, hiện gói hỗ trợ cho Vietam Airlines vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng đã hoàn tất các hành lang pháp lý cần thiết. Dự kiến Vietnam Airlines có thể được giải ngân từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2021. Riêng con số 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu đang được triển khai các hành lang pháp lý cần thiết theo quy định, dự kiến hoàn tất trong quý IV năm nay.

Trong khi chờ được giải ngân gói hỗ trợ khẩn cấp trên, Vietnam Airlines đang phải tự tìm giải pháp để duy trì hoạt động. Hãng đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau như điều chỉnh lịch bay và lao động theo diễn biến dịch bệnh để giảm chi phí nhân công; tái cơ cấu tài sản, tăng cho thuê máy bay, khuyến mại để hút khách, kích cầu... Năm 2020, hãng đã cắt giảm chi phí hơn 8.600 tỷ đồng, năm nay dự kiến cắt giảm hơn 9.400 tỷ đồng.

Đối với DN hàng không tư nhân như Bamboo Airways, Vietjet Air, các DN này đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay; kiến nghị áp dụng cơ chế hỗ trợ này từ nay tới năm 2023, điều kiện vay tương tự như gói vay của Vietnam Airlines. Trong đó, VietJet Air đề nghị được vay 4.000 - 5.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm. Bamboo Airways đề nghị được vay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó một nửa là vay dài hạn với lãi suất ưu đãi, nửa còn lại vay qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0%.

Trong trường hợp những kiến nghị trên được thông qua, các DN hàng không này sẽ có thêm nguồn lực không nhỏ để vượt qua giai đoạn khó khăn cùng cực như hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc giải cứu cần được thực hiện ngay lập tức bởi đây đang là lúc các DN hàng không đang trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” nhất. Tránh tình trạng mất quá nhiều thời gian bởi rào cản từ các bước thủ tục để đến lúc các DN hàng không nhận được gói cứu trợ thì đã ở trong cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”.

Xác định rõ phương thức giải cứu

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng, với tình hình khó khăn như hiện nay, mục tiêu khả dĩ nhất của các DN hàng không lúc này chính là cố gắng để “sống sót” trước khi nghĩ đến việc phục hồi và phát triển. Do đó, những gói giải cứu của Chính phủ đối với các hãng hàng không lúc này là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
“Việc dịch bệnh liên tục bùng phát vào những cao điểm Hè hoặc lễ, Tết khiến cho kế hoạch tăng cường sản xuất, kinh doanh để vượt qua đại dịch của các DN hàng không trong thời gian qua đều bị phá sản. Hơn lúc nào hết, họ đang rất cần được giải cứu để thoát khỏi bờ vực phá sản đang hiển hiện trước mắt” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Chuyên gia hàng không này cho biết thêm, ngoài việc đưa ra quyết định giải cứu các DN hàng không, chúng ta còn phải xác định luôn phương thức giải cứu sao cho hiệu quả. Cần phải xác định rõ giải cứu ở đây là “hà hơi tiếp sức” hay “dìu dắt” qua khó khăn? Nói một cách nôm na là chúng ta sẽ hỗ trợ về mặt tài chính hay về mặt chính sách ưu đãi cho các DN hàng không? "Theo tôi, mức hỗ trợ cho các hãng hàng không nên căn cứ vào mức thuế nộp cho Nhà nước trong năm 2019 của từng hãng. Đây là năm gần nhất trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam nên lựa chọn năm này làm mốc tính thuế là phù hợp. Mức đóng góp thuế cho Nhà nước của các hãng hàng không chính là thể hiện vai trò của hãng hàng không đó trong nền kinh tế. Cho nên, việc lấy mức đóng góp thuế làm chuẩn để đưa ra mức hỗ trợ cho từng DN hàng không là phù hợp và đảm bảo công bằng nhất" - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Bản thân các hãng hàng không từ lâu nay đã có rất nhiều giải pháp để tự cứu mình. Cho nên, khi nhận được gói hỗ trợ của Nhà nước hoàn toàn có thể tin tưởng những hãng hàng không sẽ có thêm một nguồn lực đủ mạnh để vực dậy sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử này.

Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
Các chính sách hỗ trợ DN có thể không lớn nhưng cần thực tế và hữu ích, với các điều kiện phù hợp, thủ tục nhanh gọn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Không phải đợi cho DN đứng bên bờ vực phá sản hoặc phải chứng minh mình sắp phá sản, sắp dừng hoạt động mới nhận được hỗ trợ.

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn