KTĐT - Sự vận động trái với mong đợi của thị trường bất động sản thời điểm cuối năm 2009 và diễn biến thị trường bất động sản nguội lạnh trong những ngày đầu năm 2010 đang là dấu hỏi lớn mà dư luận đang quan tâm.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, năm 2010 thị trường bất động sản sẽ khởi sắc, cũng không ít ý kiến rằng thị trường sẽ tiếp tục “lình xình”, sẽ là cơ hội của phân khúc nhà giá rẻ, nhà biệt thự nghỉ dưỡng v.v…
PV đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đặng Hùng Võ về thị trường BĐS năm 2010. Giáo sư cho biết:
- Chính sách tiền tệ đang tác động rất lớn đến thị trường BĐS. Năm 2009, khi NHNN áp dụng chính sách tiếp tục dừng các khoản cho vay BĐS để ổn định thị trường tiền tệ, lập tức thị trường BĐS “hạ nhiệt”. Điều này cho thấy, chính sách thắt chặt tiền tệ giai đoạn cuối năm 2009 đã tác động rất mạnh tới sức cầu trên thị trường BĐS.
Giai đoạn đầu năm 2010, thị trường BĐS vẫn chưa chủ động được vấn đề giải quyết nguồn cung tiền cho phía cầu, nên dấu hiệu giao dịch dự án cũng chậm chạp. Như vậy, vấn đề tiền vốn vẫn là bài toán trung tâm của thị trường BĐS trong năm 2010, mặc dù mức độ có thể thấp hơn 2009.
Và do đó, bất kỳ một động thái về tăng nguồn cung tiền cho BĐS, thị trường sẽ “ấm lên” lập tức và nếu giảm cung tiền cho đối tượng này, thị trường sẽ nguội lạnh ngay. Có thể khẳng định rằng, bài toán về vốn vẫn tiếp tục trở thành vấn đề thường trực của thị trường BĐS và vấn đề lệ thuộc của thị trường là có vốn hay không có vốn sẽ trở nên rất nhạy cảm.
- Vậy thị trường BĐS 2010 sẽ có trở lại kịch bản tương tự như 2009 không, thưa Giáo sư?
- Mức độ thắt chặt tiền tệ từ phía ngân hàng có lẽ sẽ đỡ gay gắt hơn do những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Do đó vấn đề tiền vốn cho thị trường BĐS sẽ bớt khốc liệt hơn năm 2009. Nếu các NĐT tiếp tục sử dụng tốt khoản vốn từ nguồn kích cầu của Chính phủ mà các NHTM tiếp tục cung tiền cho đầu tư vào BĐS, chắc chắn thị trường vẫn phát triển tốt. Hơn nữa, nếu chúng ta có cách thức quản lý tốt đối với hình thức “mua nhà trên giấy” - mua nhà theo cách người mua đóng góp tiền trước - để giảm bớt tính rủi ro của hình thức này, thì hình thức động viên vốn theo cách này sẽ mang lại nguồn vốn rất lớn cho thị trường.
- Trong các giải pháp cho thị trường BĐS, dư luận đang quan tâm đến vấn đề nghiên cứu, ban hành luật về thị trường thế chấp thứ cấp để làm cơ sở pháp lý cho hệ thống NH có thể tạo nguồn vốn trung và dài hạn do thế chấp BĐS tạo ra. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?
- Việc này tạo ra cơ chế để tạo nguồn tiền cho thị trường BĐS được tốt hơn. Thực hiện điều này tức là không chỉ NHTM đưa ra việc thực hiện thế chấp, mà có thể coi thị trường thế chấp là một thị trường tiếp tục có thể kinh doanh nữa để tạo ra nguồn vốn cho nguồn cầu BĐS.
- Xin cảm ơn Giáo sư!