Giải mã “tỷ lệ nghịch”

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải ngẫu nhiên mà trong hội nghị về Quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lại yêu cầu rà soát và bổ sung các quy định về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của các nhà trường.

Hơn thế, Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh đến các quy định liên quan đến bổ nhiệm giáo viên, trách nhiệm của hiệu trưởng, làm sao xác định được thực quyền của người quản lý.
 Học sinh khối 12 Trường THPT Việt Đức trong giờ Toán.  Ảnh: Phạm Hùng
Yêu cầu ấy như thể làn nước mát làm dịu đi sức nóng của nỗi lo lắng đang ăm ắp trong lòng các bậc làm cha mẹ. Điều này bắt nguồn từ thực tế nơi trường học mà độ gần đây không thôi ồn lên những sự vụ như thể đánh mất lòng tin vào đạo đức nhà giáo. Không chỉ chuyện cô giáo mầm non bạo hành trẻ, chuyện chạy trường chạy lớp cấp tiểu học, mà còn bao nhiêu sự vụ xảy ra ở cấp tiểu học, THCS, THPT. Buồn là hết thảy đều nặng nề dấu hỏi: Trách nhiệm của giáo viên, của lãnh đạo nhà trường ở đâu? Quyền hành của hiệu trưởng nhiều đến thế sao? Ngẫm lại những câu chuyện ồn ào nơi trường lớp thời gian vừa rồi, nhất là câu chuyện đã xảy ra ở trường Tiểu học Nam Trung Yên, thậm chí nhiều người còn "tổng kết": Hình như cấp học càng thấp, quyền lực của hiệu trưởng càng lớn, giáo viên không biết đến dân chủ trong trường học - một tỷ lệ nghịch tưởng như khó tin nhưng lại là sự thật.
 Nhà quản lý dường như ai cũng thuộc lòng quy định Hội đồng trường là tổ chức có quyền lực cao nhất trong nhà trường quyết định các chủ trương, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đào tạo. Thế nhưng, chính các nhà quản lý của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH cũng phải thừa nhận rất ít trường thành lập được Hội đồng trường, hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức để... đối phó. Vai trò của công đoàn hay hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cũng nhạt nhòa... Nghĩa là mọi việc lớn nhỏ trong trường đều do một tay hiệu trưởng quyết định, đồng nghĩa quy chế dân chủ chỉ là hình thức. Ngay tại hội nghị cuối tuần qua, rất nhiều người đồng tình cho rằng: Hiện nay, quyền lực giao vào tay hiệu trưởng các trường là quá lớn, quyền gắn với lợi ích chặt chẽ khiến sự việc bị lãnh đạo một số trường bưng bít bằng mọi giá. Trong khi đó, công tác giám sát, phản biện chưa đủ mạnh, chủ yếu vẫn là cấp dưới kiêm nhiệm. Chính vì vậy, công tác dân chủ không thể đi vào thực chất. Và đó chính là nguồn cơn của bao bức xúc nảy sinh nơi trường lớp suốt thời gian qua.
 Đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, nếu chưa nhìn thẳng vào sự thật thì không thể cải thiện được tình hình. Ngành giáo dục càng cần phải thẳng thắn nhìn vào thực tế của mình để sửa sai và làm đẹp trở lại hình ảnh của những nhà giáo trong lòng dân. Niềm tin sẽ trở lại khi các trường tự giác, nghiêm túc và minh bạch thực hiện sự dân chủ.