Với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần ổn định thị trường trong mùa dịch COVID - 19. Ảnh: Hoàng Anh |
Cam kết từ doanh nghiệp
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương, từ khi có dịch bệnh, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3 - 4 lần, cũng như đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng... Vào đợt cao điểm, Central Retail đã huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, thậm chí làm thêm giờ cả ban đêm. “Chúng tôi cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu. Với sự chủ động và nỗ lực từ phía Central Retail và các nhà cung cấp, Central Retail dự kiến có đủ hàng cung cấp trong vài tuần tới, phục vụ nhu cầu khách hàng” - nữ doanh nhân này nhấn mạnh.
Trước mắt, các DN cần đánh giá chính xác nhu cầu của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Đồng thời, phải có chính sách giữ chân lực lượng lao động chủ chốt để bảo đảm ổn định ngay sau khi dịch kết thúc. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp nhất quán và đồng bộ để ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ… thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất… cho DN bị ảnh hưởng lớn bởi dịch. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam TS Nguyễn Văn Thân |
Còn Giám đốc Truyền thông Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV) Nguyễn Duy Linh thông tin: Trung bình mỗi ngày, CPV cung cấp ra thị trường: Thịt lợn 300 tấn/tháng, thịt gà 900 tấn/tháng, thực phẩm chế biến xúc xích 1.400 tấn/tháng... Ngoài ra, trước nhu cầu tăng đột xuất, Công ty đã tăng cường sản xuất vào các ngày Chủ nhật để tăng sản lượng thêm trên 20%. Công ty CPV cam kết luôn đồng hành cùng Sở Công Thương Hà Nội nhằm cung cấp đủ hàng hóa như đã đăng ký, góp phần cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Các doanh nghiệp phân phối cùng nhập cuộc
Đưa ra giải pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, Giám đốc Công ty An Việt Đào Ngọc Nam cho rằng, cần sử dụng siêu thị, cửa hàng bán lẻ để điều tiết thị trường. Hiện, hầu như các DN lớn đều đang có số lượng lớn hàng dự trữ nên thị trường sẽ ổn định trong khoảng thời gian dịch bệnh, đồng thời sẽ giới hạn lượng hàng mà một người có thể mua trong một lần nhằm tránh được tình trạng gom hàng. “DN đã lên được phương án dự trữ và khuyên các nhà sản xuất dự trữ tại nguồn chứ chưa thu mua về một mối. Như vậy sẽ có thể linh hoạt được trong việc cung cấp sản phẩm. An Việt hợp đồng cung cấp lâu dài với nhà sản xuất bằng chữ tín nên việc tăng giá là hết sức hạn chế” – vị này nói. Đồng thời cho rằng, việc biến động về giá cần phải xem xét theo nhiều góc độ như nếu tăng theo cung cầu thị trường thì là chuyện bình thường. Nhưng với những trường hợp lợi dụng những lúc khó khăn mà tăng giá, trục lợi có thể kiểm tra từ nguồn hàng nhập, truy tận gốc để biết được việc lợi nhuận cao bất thường là do đâu và có thể xử lý nghiêm.
Để đồng hành và hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho rằng, việc hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay cho DN trong lúc này là rất cần thiết, song chương trình này cần kéo dài bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các đơn vị, DN là rất lớn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tăng cường cử cán bộ giám sát chặt chẽ thị trường... Đẩy mạnh chương trình bình ổn giá ngay cho các hệ thống siêu thị, công bố những nơi nào găm hàng, đẩy giá, có thể cấm kinh doanh vĩnh viễn đối với các trường hợp vi phạm...
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã có văn bản số 389/UBQLV-NN yêu cầu Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cung cấp lương thực cho thị trường, người tiêu dùng, ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các buổi tối, thông qua hệ thống các DN bán lẻ trực thuộc hoặc hệ thống các siêu thị, DN bán lẻ liên doanh, liên kết; bảo đảm các mặt hàng lương thực cung ứng cho thị trường có chất lượng tốt và giá cả ổn định… |