Theo đó, các giải pháp đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Quản lý nước mưa và chống ngập đô thị” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11, do Bộ xây dựng và tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức.
Hiện nay, tại các đô thị của Việt Nam hạ tầng thoát nước chủ yếu được xây dựng tại các vùng lõi, trung tâm đô thị của cả 63 tỉnh, TP. Đặc biệt, hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống cống dùng chung cho việc thoát nước thải và nước mưa, đa phần hệ thống tiêu thoát nước vẫn đang hoạt động theo hình thức tự chảy, nên thường xuyên xả ra ngập úng khi có mưa lớn. Hệ thống tiêu thoát có hiện tượng tắc nghẽn và chảy ngược khi xảy ra trường hợp nước biển kết hợp triều cường làm cho mực nước sông dâng cao.
Số liệu thống kê từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay TP Hồ Chí Minh là địa bàn có nhiều điểm ngập úng nhất cả nước với khoảng 220 điểm, TP Hà Nội gần 190 điểm, TP Cần Thơ 107 điểm, TP Đà Nẵng 50 điểm. Một số TP chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường như Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng... một số TP ở khu vực cao cũng bị hiện tượng ngập úng do mưa lớn như Đà Lạt, Biên Hòa.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn do hạ tầng thoát nước đã trở nên cũ kỹ, quá tải, thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ, tại Hà Nội tỷ lệ đường cống là 0,46m/người so với trung bình của thế giới là 2m/người.
Bên cạnh đó, ở các vùng đệm, hồ điều tiết do quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm. Ngoài ra, vấn đề về quy hoạch và ý thức cộng đồng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng thoát nước công cộng.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh, TP của Việt Nam đã triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải. Đã có 44 dự án thoát nước và xử lý nước thải quy mô lớn đi vào vận hành và trên 50 dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Trước thực trạng ngập úng do mưa lớn, về phía các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kinh nghiệm thoát nước và chống ngập úng đô thị tại TP Yokohama, Osaka... trong đó tập trung vào việc phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức tư nhân, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong công tác đầu tư hạ tầng và quản lý hệ thống thoát nước thải.
Phía Việt Nam, trong nghiên đề tài nghiên cứu của mình, Ths. Trần Thị Thảo Hương – Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải (Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng) đã đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề này bằng giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, huy động các nguồn vốn từ ODA, PPP... để đẩy nhanh triển khai các dự án đang được lập kế hoạch. Cùng với đó là vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về vấn đề thoát nước đô thị.
“Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, người dân cũng phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính người dân phải trực tiếp tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, như không vứt rác, không xây dựng lấn chiếm kênh rạch...” - bà Trần Thị Thảo Hương nói.