Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản lý, xử lý rác thải một cách hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân đang là mục tiêu mà các đô thị hướng tới.

Tại Hà Nội, các khu xử lý rác thải đang quá ít và nằm ở xa trung tâm dẫn đến việc vận chuyển rác đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, xây trạm trung chuyển nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận chuyển, xử lý rác thải tại TP đang là vấn đề cấp thiết.

Xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp

Khi đô thị phát triển, rác thải sinh hoạt phát sinh lớn nên cần rất nhiều chỗ để chôn lấp, xử lý. Tuy nhiên, để có một điểm chôn lấp không hề đơn giản. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển - nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, một khu xử lý rác cần gần nguồn sản sinh ra chất thải, đường giao thông, đảm bảo các khoảng cách cự ly vệ sinh đối với khu dân cư và có diện tích đủ rộng để xây dựng. Bên cạnh đó, bãi xử lý rác cần có mạch nước ngầm thấp để tránh nước thải ngấm xuống, gây ô nhiễm… Thế nhưng, với tình hình đất trống ở Thủ đô ngày càng hạn hẹp, để quy hoạch một khu vực làm bãi chôn lấp, xử lý rác thải rất khó khăn.
Khu xử lý chất thải Nam Sơn.            Ảnh: Hải Linh
Khu xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Hải Linh
Hiện, mỗi ngày tại Hà Nội có gần 5.400 tấn rác thải được thu gom và chủ yếu được vận chuyển bằng xe cuốn ép rác thùng kín. Tuy nhiên, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp tại các khu xử lý chất thải của TP. Thống kê có tới 85 - 90% rác thải được thu gom và vận chuyển lên chôn lấp tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Công tác thu gom, xử lý rác của các đơn vị môi trường trên địa bàn hiện chỉ đáp ứng được 80% yêu cầu thực tế. Các bãi rác tự phát mọc lên khá nhiều ở khu vực ngoại thành gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị.

Ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay: "Chúng tôi đã và đang nỗ lực để có những giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, để xử lý được rác thải phải trải qua lộ trình vận chuyển khá xa, hơn 100km, mất 4 - 5 tiếng cả đi cả về, trong khi mỗi xe chỉ chở được từ 7 - 10 tấn. Điều này khiến thời gian tập kết các xe gom, thùng rác kéo dài nhiều tiếng trên các tuyến phố, gây mất VSMT, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị, tạo nên bức xúc cho người dân".

Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải

Hà Nội là đô thị đang phát triển rất mạnh, dân số tăng nhanh. Lượng rác thải của TP phát sinh trong thời gian tới sẽ rất lớn, trong khi khu vực xử lý lại quá xa. "Xây dựng một trạm trung chuyển, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải là điều rất bức thiết phải tính đến" - Trưởng nhóm Chuyên gia nghiên cứu Chất thải rắn Việt Nam - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Hideki Wada nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, Ông Hải nói thêm: "Với xu hướng đô thị hóa chung của thế giới và chủ trương của TP Hà Nội duy trì "Năm trật tự và văn minh đô thị", xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp thì việc quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải một cách hiệu quả cũng là một yêu cầu rất quan trọng".

Để giải quyết khó khăn hiện nay đối với công tác thu gom, vận chuyển rác, các chuyên gia Nhật Bản cũng như trong nước đã đề xuất xây trạm trung chuyển tại khu vực Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) với công suất 1.000 tấn/ngày. Như vậy, thay vì vận chuyển trực tiếp, trước khi lên Khu xử lý, chôn lấp ở Nam Sơn (Sóc Sơn), rác thải sẽ được thu gom, chuyển tới trạm trung chuyển Tây Mỗ để phân loại tái chế, nén ép và khử mùi. Theo ông Kurasawa Soji - đại diện dự án Trạm trung chuyển TP Hà Nội của Công ty Kato Syoji Nhật Bản: Xây dựng một trạm trung chuyển sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí phát sinh cho vận chuyển, bảo dưỡng, sửa chữa, nhân công. Đồng thời, thu hồi được nhiều nguyên, nhiên, vật liệu để tái chế, phục vụ các ngành công nghiệp khác; nâng công suất vận chuyển rác, vận chuyển được nhiều hơn do được xử lý qua nén ép, giảm khối lượng, dung tích. Nhờ đó, giảm được lưu lượng giao thông, tần suất di chuyển, hạn chế ô nhiễm môi trường… "Trạm trung chuyển sẽ giảm sức ép về khu vực chôn lấp, giảm đến 40% diện tích. Đồng thời kéo dài tuổi thọ bãi chôn lấp lên 1,6 lần. Hạn chế được tác động của sự gia tăng chất thải rắn" - ông Kurasawa Soji nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đầu tư xây dựng một trạm trung chuyển đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nên để hiện thực hóa được giải pháp hữu hiệu này đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành. Đặc biệt là ý thức, chung tay của người dân ngay từ khâu đầu tiên là bỏ rác đúng nơi quy định.